Thiên thần nhỏ cỉa bạn như chồi non mới nhú. Bé khỏe mạnh hay không phụ thuộc vào bàn tay nâng niu, yêu thương của ngừoi mẹ. Hãy cùng tìm hiểu về cách chăm sóc làn da mỏng của trẻ trong mùa hè.
Phòng ngừa các bệnh về da cho bé
Da bé rất mềm mại, có nhiều mạch máu. Các tuyến bài tiết dưới da (tuyến mồ hôi) chưa hoạt động hoàn thiện, dễ mất cân bằng pH acid tự nhiên cho da. Chức năng bảo vệ tự nhiên của da còn yếu, da trẻ rất dễ bị xây xát, tổn thương và nhiễm khuẩn. Vì thế, nếu bạn biết cách vệ sinh, chăm sóc sẽ giúp phòng ngừa một số bệnh về da cho bé.
Cách vệ sinh rất đơn giản
Ức chế vi khuẩn gây bệnh: vệ sinh da bé sạch sẽ, giữ cân bằng pH acid tự nhiên của da. Sử dụng các loại sữa tắm chuyên biệt dành cho trẻ em đã qua kiểm nghiệm lâm sàng, có pH acid tự nhiên của da bé.
Tránh môi trường quá nóng hoặc quá lạnh.
Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây kích thích da như: phân, nước tiểu, xà phòng thô có pH kiềm, thoa thuốc bừa bãi, côn trùng đốt. Thời tiết oi bức là yếu tố thuận lợi cho một số bệnh về da ở bé: rôm sảy, hăm kẽ, chốc nhọt. Sữa tắm trẻ em có thể giúp hạn chế các bệnh về da. Loại sữa tắm này giúp duy trì pH acid tự nhiên của da, ức chế các vi khuẩn gây bệnh trên da.
Một số bệnh về da thường gặp ở trẻ vào mùa hè
Rôm sảy: bệnh này xảy ra khi tuyến mồ hôi bị chèn ép, bít kín làm mồ hôi tắc nghẽn, không thoát ra ngoài da.
Rôm sảy hay gặp vào mùa nóng, ở trẻ ra mồ hôi nhiều.
Khi bị rôm sảy, ở trán, ngực, lưng bé nổi nhiều nốt đỏ, cứng. Da sần sùi, ngứa ngáy, đau châm chích, nhất là lúc nóng nực, ra mồ hôi.
Tiến triển bệnh tùy vào nhiệt độ môi trường. Nếu rôm sảy kèm theo nhiễm khuẩn sẽ gây chốc, nhọt (trong dân gian thường nói “cái sảy nảy cái ung” là vậy).
Xử lý khi bé bị rôm sảy: cần tránh môi trường nóng nực, giữ da bé thoáng mát.
- Tắm bằng sữa tắm trẻ em hoặc thuốc tím pha loãng màu hồng nhạt, nước nấu mướp đắng (khổ qua).
- Thoa bột Talc vào những vùng da hay mồ hôi.
- Uống nhiều nước, hạn chế ăn ngọt.
- Chữa trị nhiễm khuẩn da đi kèm.
Hăm kẽ, viêm da do tã lót: bình thường, độ pH da có tính acid nhẹ. Khi các yếu tố môi trường phá vỡ cân bằng pH da tăng cao, có thể sẽ gây kích ứng da. Ở trẻ em, có hai bệnh kích ứng da tăng cao thường gặp là hăm kẽ và viêm da do tã lót. Hăm kẽ do pH da tăng cao ở những vùng da mang tã lót bị ứ đọng phân, nước tiểu kéo dài. Vùng da bị viêm bên dưới tã sẽ gây phát ban màu đỏ sáng, bóng làm bé ngứa, đau.
Xử lý hăm kẽ, viêm do tã lót:
- Vệ sinh da bé sạch sẽ, tránh môi trường oi bức.
- Hạn chế dùng tã lót. Nếu dùng, phải thay tã thường xuyên.
- Tắm cho bé với sữa trẻ em để làm sạch da và giúp tái tạo pH acid tự nhiên của da.
Chốc, nhọt: đây là bệnh nhiễm trùng da thường gặp ở trẻ em vào mùa nóng.
Xử lý nhiễm trùng da bằng cách:
- Vệ sinh da bé sạch sẽ, giữ da thoáng mát.
- Tắm với sữa tắm trẻ em hoặc thuốc tím pha loãng màu hồng nhạt, sẽ giúp hạn chế nhiễm trùng da.
- Bôi thuốc chống nhiễm trùng như: eosin, milian, fucidin, bactroban.
- Dùng kháng sinh toàn thân theo chỉ dẫn của bác sĩ khi cần thiết.
Theo SK & ĐS