Cập nhật: 29/07/2009 21:53:48 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sơn, vẽ móng tay, móng chân trở thành sở thích làm đẹp của rất nhiều chị em phụ nữ. Tuy nhiên, ít người biết rằng việc làm đẹp này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Hoại tử ngón tay vì sơn móng

 

Sau khi khám tại khoa Khám bệnh, Viện Bỏng Quốc gia, N.K.D, 16 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được các bác sĩ (BS) cho biết, em bị rối loạn các dưỡng chất nuôi móng do lạm dụng quá nhiều sơn và chất tẩy rửa. D. kể em thường xuyên sơn móng, có khi hai, ba ngày đã thay đổi màu sơn. Hiện, tất cả các móng tay của D. đều chuyển sang màu trắng đục, có vẩy, tạo gờ, thậm chí có ngón gần như mất móng. 

 

Một trường hợp khác là chị N., 30 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chị N. đến bệnh viện trong tình trạng các ngón tay phù to, tấy đỏ, có móng đã bị tróc. Chị cho biết, khi thấy các ngón tay bị đau, nghĩ mình bị xước do cắt khóe móng quá sâu nên đã tự mua thuốc về nhà bôi. Tuy nhiên, vết sưng ngày càng mưng mủ nhiều hơn. BS chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng, do đến muộn nên ngón tay đã có dấu hiệu hoại tử.

 

 Thạc sĩ Vũ Ngọc Quý, Khoa Da liễu, BV Bạch Mai cho biết, rất nhiều phụ nữ chủ quan cho rằng móng tay, móng chân là chất sừng, cứng nên có thể sử dụng hóa chất mà không gặp bất kỳ nguy hiểm nào. Trên thực tế, móng có khả năng thấm hút rất tốt nên các chất độc hại có trong sơn khi bôi lên móng có thể dễ dàng ngấm vào máu. Thời gian và lượng tiếp xúc càng nhiều thì nguy cơ gây bệnh càng lớn. 

 

Tuyệt đối không sơn móng cho trẻ nhỏ

 

Thạc sĩ Vũ Ngọc Quý khẳng định, các sản phẩm làm móng thường chứa các chất độc hại như benzen, formaldehyde và một số kim loại nặng như chì… Nguy hiểm hơn, aceton - nước tẩy rửa móng được xếp vào là một trong những chất độc hàng đầu.

 

Theo tiến sĩ Nguyễn Viết Lượng, biến chứng hay gặp nhất khi sơn móng là dị ứng hoặc tăng sừng, xơ cứng các đầu móng. Có trường hợp hình dạng, cấu trúc, màu sắc của móng bị biến đổi. Nặng hơn có thể gây viêm nhiễm đầu ngón gây phù nề, đau đớn. Nếu không được điều trị đúng cách, vùng da móng bị tổn thương sẽ nhiễm trùng, thậm chí hoại tử.

 

Điều đáng lo ngại là hầu hết người sơn móng đều sử dụng loại sơn rẻ tiền, không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, việc dùng chung dụng cụ để cắt, bấm móng còn dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, HIV…

 

 Tiến sĩ Nguyễn Viết Lượng cảnh cáo, tuyệt đối không lựa chọn phương pháp làm đẹp này cho trẻ nhỏ. Hiện, không hiếm bà mẹ để trẻ nhỏ sơn móng mà không nhận thức được điều này rất nguy hiểm. Vì trẻ nhỏ hay có thói quen gặm, mút tay, nên các chất độc hại có trong sản phẩm sơn móng có thể khiến trẻ mắc các bệnh lý về đường hô hấp, tiêu hóa, nếu thấm vào máu có thể gây ung thư, suy tủy, tổn thương gan.

 

Các BS khuyến cáo: Nếu muốn sơn móng, nên chọn các sản phẩm có ghi rõ thành phần, nguồn gốc xuất xứ. Khi sơn hoặc tẩy sơn móng nên làm ở chỗ rộng rãi, thoáng gió để hạn chế việc hít phải các hóa chất độc hại bay hơi. Không nên sơn móng thường xuyên hoặc thay đổi màu sơn liên tục. Khi thấy xuất hiện các dấu hiện mẩn ngứa hoặc nhận biết sự thay đổi của móng như móng dễ gãy, trở nên mỏng hơn … cần ngưng ngay việc sơn móng, tẩy rửa lớp sơn đang bám trên bề mặt móng và đến gặp BS da liễu để được tư vấn điều trị.

 

 

Theo SK & ĐS

Tệp đính kèm