Cập nhật: 09/05/2010 16:11:35 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo lương y Vũ Quốc Trung: y học cổ truyền gọi đau lưng là “yêu thống”, là do lao tổn, thận hư, hoặc thấp nhiệt gây ra. Có thể dùng các món ăn bài thuốc để chữa trong 3 trường hợp dưới đây:

Với trường hợp lao tổn - là do làm việc dùng sức quá mức, hoặc làm ở tư thế không đúng, vấp ngã tổn thương, khí huyết vận hành không thông suốt, mạch máu bị trở ngại mà gây ra đau nhức... Biểu hiện: vận động, cúi vặn càng đau hơn, có khi chỗ đau không di chuyển được…

 

Trong trường hợp này dùng món “Gà hầm tam thất” gồm: gà ô (đen) trống 1 con chừng nửa ký, tam thất 5g. Gà làm sạch, tam thất thái lát, nhồi vào trong bụng gà, cho thêm một chút rượu, muối rồi đem hầm cách thủy, đến khi thịt gà chín mềm là được. Khi ăn chấm nước tương.

 

Với trường hợp thận hư: thường gặp ở người có tuổi, lúc này thận khí bất túc, tinh tủy suy giảm, hoặc phòng lao quá độ, khiến thận nguyên yếu mệt, gân mạch thất dưỡng, gây ra đau lưng, đau đến tận đùi. Biểu hiện thường gặp là: lưng đau và mỏi, thích đấm bóp, xoa, kèm theo lưng ngực không có sức, làm việc nhiều thì đau nặng lên, đêm đi tiểu nhiều. Người lệch về dương hư thì dạ dày lạnh, chân tay lạnh, lưng lạnh băng, mặt trắng nhợt, lưỡi lạt. Người lệch về âm hư thì miệng, họng khô khan, tâm phiền khó ngủ, sắc mặt đỏ…Trong trường hợp này có thể dùng món “Thịt dê hầm đỗ trọng”: thịt dê nửa ký, đỗ trọng 30g, gừng vừa đủ. Đem thịt dê luộc với một củ cải trắng để khử mùi, sau đó cho đỗ trọng, gừng vào hầm nhừ, nêm nếm gia vị vừa ăn.

 

Hoặc dùng món “Canh thận dê, đậu đen, đỗ trọng” gồm: thận dê 1 đôi, đậu đen 60g, đỗ trọng 10-12g, tiểu, hồi thơm 3g, gừng tươi 9g. Thận dê cắt bỏ màng sợi trắng, rửa sạch, thái nhỏ. Luộc đậu đen, đỗ trọng, tiểu hồi thơm trước rồi cho thận vào. Đợi thận chín, nêm vừa gia vị, ăn nóng.

 

Với trường hợp thấp nhiệt: xảy ra ở người cơ thể dương khí quá thịnh, bên trong tồn nhiệt; hoặc thức ăn nóng, quá nhiều năng lượng, nên tích nhiệt ở trong; hoặc do ảnh hưởng xấu của thời tiết, nhiệt tà vào trong; hoặc chịu ảnh hưởng xấu của lạnh ẩm, lâu dài hóa thành hỏa, khiến tà nhiệt thấm vào xương sống, lưu lại ở gân, mạch, gây đau ở lưng cho đến đùi, nhiệt bốc lên đau nhức.

 

Biểu hiện gồm: lưng đau nhức, bốc nhiệt, đau đến tận chân, mắt đỏ, miệng đắng họng khô, tiểu tiện ngắn đỏ, đại tiện kết vón… Với trường hợp này dùng món “Cháo phòng kỷ, thương chi”: phòng kỷ 12g, thương chi 30g, ý dĩ, đậu đỏ hạt nhỏ (mỗi loại 60g). Rửa sạch các nguyên liệu, cho vào nồi với lượng nước vừa đủ, hầm 2-3 giờ cho nhừ là được.

 

Hoặc dùng món “Cửu hương trùng xào mướp”: Cửu hương trùng 60g, mướp non 250g, một ít tiêu bột, rượu, gia vị. Cửu hương trùng rửa sạch, mướp gọt vỏ, cắt miếng. Bắc chảo cho dầu vào, khi nóng lên cho cửu hương trùng vào xào, gần chín thì cho tiêu, rượu, và mướp vào xào tiếp khi mướp chín là được, nêm nếm gia vị vừa dùng.

 

 

Theo TNOnline

Tệp đính kèm