Cập nhật: 08/11/2010 16:27:09 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người già, mắc bệnh mạn tính là nhóm người có hệ thống miễn dịch yếu nên dễ mắc phải những căn bệnh khi thời tiết giao mùa, đặc biệt là vào mùa đông.

 

Để giảm thiểu, nhóm người này nên lưu tâm tới một số khuyến cáo bổ ích do các chuyên gia Trung tâm chăm sóc người già ở Niu Oóc, Mỹ (DGN) vừa đưa ra giới thiệu.

 

1. Tiêm phòng cúm

 

Tiêm phòng cúm là điều cần làm đầu tiên cho nhóm người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh mạn tính như hen, tim mạch. Theo nghiên cứu thì vaccin phòng cúm không bảo vệ được 100% nguy cơ mắc bệnh nhưng lại là vũ khí tốt nhất hiện nay. Nên tiêm vào đầu tháng 9 hàng năm để có tác dụng bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của các virut trước khi bước vào mùa cúm từ giữa tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

 

2. Mang trang phục ấm đầy đủ

 

Mùa đông thời tiết thay đổi đột ngột, nhất là trong thời gian gần đây do biến đổi khí hậu nên thời tiết có những thay đổi khác thường, nhiệt độ xuống dưới mức tưởng tượng làm cho con người ta dễ mắc bệnh. Vì vậy, nhóm người già cần mặc ấm, đi giày tất, găng tay đầy đủ kể cả trong nhà lẫn khi ra ngoài trời. Nếu cần có thể mang gậy chống, nên sử dụng gậy có đầu bịt bằng cao su mềm để khỏi đau tay và bám chắc vào nền đất. Một khi trời quá lạnh không nên ra ngoài, mà ở trong nhà có sưởi ấm.

 

3. Phòng không có khói thuốc

 

Đối với nhóm người cao tuổi phòng ở phải trong lành, không có khói thuốc lá hoặc khí CO cũng như các loại khí gây độc hại khác.

 

4. Duy trì nhiệt độ phòng ngủ thích hợp

 

Để duy trì nhiệt độ phòng ngủ thích hợp, phòng ngủ phải có nhiệt kế để biết được nhiệt độ cụ thể. Nên duy trì nhiệt độ phòng ở mức trên 20oC trở lên để hạn chế nguy cơ phát bệnh do nhiệt độ quá thấp.

 

5. Duy trì ánh sáng thích hợp

 

Một trong những tiêu chí duy trì sức khỏe mùa đông cho người già và hạn chế nguy cơ chấn thương thì nên duy trì đủ độ sáng và không nên duy trì ánh sáng tương phản quá lớn giữa các phòng, bởi lẽ người già khó điều chỉnh mức độ chênh lệch về ánh sáng, dễ bị trượt ngã. Về ban đêm phải có đèn ngủ, đến chiếu sáng cần thiết ở những nơi ra vào, đường đi lối lại trong nhà vệ sinh. Chú ý đến an toàn về điện, thiết bị đun nước nóng v.v...

 

6. Duy trì chế độ luyện tập trong nhà

 

Trời rét người già không thể tập ngoài trời được vì vậy nên duy trì bài tập đều đặn trong nhà. Ví dụ như đi xe đạp tĩnh, cử tạ, bóng bàn, tập dưỡng sinh v.v...Trước khi tập nên khởi động để làm ấm cơ thể, duy trì thời lượng tập thích hợp, không nên quá mức hoặc luyện tập những bài không hợp tuổi. Khi tập nên bố trí thời gian nghỉ giải lao.

 

7. Kiểm tra giường ngủ

 

Giường ngủ, sạch sẽ, chắc chắn, có đệm bảo đảm độ ấm, êm không gây khó chịu, cơ động khi thức dậy vào ban đêm. Nếu cần có thể bố trí hệ thống chống trượt hoặc ngã vào ban đêm.

 

8. Ăn uống cân bằng

 

Ăn uống cân bằng là vô cùng quan trọng để duy trì sức khỏe người già vào mùa đông. Ngoài ăn uống cân bằng đủ chất thì phải cung cấp đầy đủ nước uống. Trung bình mỗi ngày uống 4-5 cốc nước, không nên duy trì ý nghĩ cho rằng mùa đông không phải uống nhiều nước, hậu quả làm cho cơ thể khát và phát sinh bệnh.

 

9. Sử dụng kem tăng độ ẩm cho làn da

 

Mùa đông nhất là khi trời quá lạnh ngoài việc mặc ấm thì việc duy trì độ ẩm cho da là rất cần thiết. Cùng với việc cung cấp uống nước, nên dùng kem dưỡng da nhất là những nơi phơi ra môi trường không khí như da mặt, da chân, tay v.v...

 

10. Trang bị đủ phương tiện thông tin

 

Trong phòng ngủ của người già phải có điện thoại để khi cần thông báo cho con, cháu biết hoặc gọi số điện thoại cấp cứu nhất là những người sống độc thân. Việc ngại phiền hà, tiết kiệm, không mắc điện thoại là một sai lầm. Đây là thiết bị truyền thông vô cùng cần thiết, không chỉ đối với nhóm người cao niên mà còn quan trọng đối với tất cả mọi người để khi cần có thể thông tin khẩn cấp. Nên trang bị điện thoại đơn giản, dễ sử dụng.

 

 

Theo SK & ĐS Online

Tệp đính kèm