Hằng ngày, cơ thể ta phải được cung cấp đủ với tỷ lệ cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng bao gồm: chất đạm, chất đường - bột, chất béo, vitamin và chất khoáng. Ðồng thời, ta phải uống đầy đủ nước vì nước chiếm đến gần 75% trọng lượng cơ thể, giữ nhiều vai trò quan trọng trong hoạt động sinh lý và thường xuyên được bài tiết ra ngoài.
Có nên hạn chế uống nước trong mùa đông?
Thông thường, hằng ngày ta cần uống khoảng 2 lít nước để bù vào lượng nước được bài tiết ra khỏi cơ thể (qua nước tiểu, mồ hôi, hơi thở...). Vào mùa hè, khí hậu nóng bức hoặc đối với người lao động chân tay nặng, lượng nước uống vào mỗi ngày đòi hỏi phải hơn 2 lít. Nước nhất thiết phải được cung cấp đầy đủ để duy trì khối lượng tuần hoàn của máu, giúp tạo môi trường vận chuyển và chuyển hóa các chất dinh dưỡng, đặc biệt giúp điều hòa thân nhiệt... Trước nay không ít người cho rằng nước có trong cơ thể chỉ đóng vai trò duy nhất giúp điều hòa thân nhiệt, tức là giúp tạo mồ hôi, thải nhiệt và làm mát da khi trời nóng, vì vậy vào mùa đông trời rét, cơ thể không đổ mồ hôi nên không cần uống nước. Thật ra, trong trường hợp này vẫn cần uống nước đầy đủ (tất nhiên lượng nước có thể giảm đi so với khi trời nóng bức) để bảo đảm cho cơ thể hoàn thành tốt các chức năng sinh lý. Nếu nước không được cung cấp đủ, có thể sẽ dẫn đến một số rối loạn trong cơ thể, đặc biệt nếu uống nước quá ít dễ có nguy cơ bị sỏi niệu, táo bón (từ táo bón dễ dẫn đến bệnh trĩ). Riêng đối với phụ nữ càng cần uống đủ nước, tránh táo bón để giúp da dẻ mịn màng, tươi đẹp, nhất là trong mùa rét da rất dễ bị khô. Ta nên dùng đa dạng các loại nước như nước đun sôi để nguội, nước khoáng, nước trà, nước trái cây (nước chanh, nước cam...) để tạo sự ngon miệng mà vẫn duy trì đủ lượng nước cần thiết.
Bổ sung vitamin thế nào cho hợp lý?
Do cơ thể chúng ta không tổng hợp được vitamin, vì vậy cần được cung cấp vitamin thông qua các thức ăn đồ uống. Trên lý thuyết, nếu ta ăn uống đầy đủ và cân bằng dưỡng chất thì không sợ thiếu vitamin. Tuy nhiên, có thể do việc bảo quản và chế biến thức ăn không tốt (như nấu chín các loại rau cải sẽ bị mất vitamin C); Hoặc do sự hấp thu ở đường tiêu hóa kém nên dù ăn uống đầy đủ cơ thể vẫn có thể thiếu vitamin. Ðặc biệt, một số đối tượng sau thường có nguy cơ thiếu vitamin: người ăn kiêng (như ăn chay), người sau cơn bạo bệnh, bệnh nhân lao phổi, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, phụ nữ đang dùng thuốc ngừa thai, trẻ em chậm lớn, người hút thuốc, nghiện rượu. Những đối tượng vừa kể có khi phải dùng thuốc bổ sung vitamin.
Riêng đối với người ở miền Bắc nước ta, vào mùa đông trời rét, ngoài việc ngại uống đủ nước, còn ít ăn rau quả tươi, nên thường dẫn đến thiếu vitamin C. Lâu nay, vitamin C đã được thừa nhận là rất cần thiết cho sự tạo thành collagen, chỉnh sửa mô trong cơ thể và tham gia vào nhiều phản ứng chuyển hóa. Ðặc biệt, vitamin C có vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch, giúp cơ thể tăng sức đề kháng chống nhiễm trùng. Như vậy, vitamin C có tác dụng giúp vết thương mau lành (do giúp tạo collagen), dùng để phòng cảm cúm (do giúp cơ thể tăng sức đề kháng chống nhiễm trùng). Do đó, trong mùa rét chúng ta cũng rất cần vitamin C và quan điểm không nên ăn rau quả tươi, quả chua vì sợ “lạnh bụng” là không đúng. Trong khi vào mùa rét, ta rất dễ bị cảm cúm nên càng cần ăn nhiều rau quả tươi, quả chua để tăng sức đề kháng, thậm chí có thể dùng thêm thuốc bổ sung vitamin C.
Hiện nay, nhiều người hay bổ sung vitamin C dưới dạng viên sủi. Khi uống, ta hòa tan viên sủi vào nước để trở thành dạng thuốc lỏng, vừa giúp thuốc hấp thu nhanh vừa bổ sung được một lượng nước cho cơ thể. Tuy nhiên, cần lưu ý chỉ nên dùng 1 viên sủi hàm lượng 1g vitamin C mỗi ngày chứ không nên dùng quá nhiều. Ðối với người kiêng muối (như người bị bệnh cao huyết áp được khuyên không nên ăn mặn), phải xem xét lượng natri trong viên sủi có thích hợp hay không (đôi khi phải tránh dùng), vì trong viên sủi bọt có chứa natri do chứa tá dược rã sinh khí (natri carbonat hoặc natri bicarbonat) - mà thực chất việc kiêng muối cũng chính là kiêng natri.
Theo SK & ĐS Online