Mỗi người có hai bộ răng: bộ răng sữa và răng vĩnh viễn. Răng sữa cũng như răng vĩnh viễn có chức năng: ăn nhai, phát âm, thẩm mỹ, giao tiếp.
Ngoài ra, răng sữa có vai trò quan trọng trong việc giúp cho trẻ có sức khỏe tốt, răng vĩnh viễn sau này mọc đúng vị trí đảm bảo sự phát triển thể chất của trẻ và có vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ thống sọ mặt.
Những quan niệm sai lầm
Bộ răng sữa gồm 20 răng, mọc khoảng 6 tháng tuổi và hoàn tất lúc trẻ 24 - 30 tháng tuổi. Bộ răng vĩnh viễn gồm 32 răng, được mọc và thay thế cho răng sữa từ 6 - 7 tuổi và hoàn chỉnh 28 răng lúc 12 - 13 tuổi, răng còn lại (răng khôn)mọc lúc 18 - 25 tuổi.
Quan niệm răng sữa là răng tạm thời, sẽ được thay thế bởi răng vĩnh viễn nên không cần phải chăm sóc là hoàn toàn “sai lầm”. Thật vậy, nếu răng sữa không được chăm sóc tốt sẽ rất dễ bị sâu, do buồng tủy rộng nên cũng dễ tiến triển đến tủy gây đau, như vậy làm trẻ quấy và không ăn uống tốt do bị đau răng, làm trẻ dễ bị suy dinh dưỡng và sẽ ảnh hưởng đến phát triển thể chất, trẻ sẽ bị còi cọc. Nếu như răng sữa bị thối tủy sẽ dẫn đến nhiễm trùng chóp răng mà mầm răng vĩnh viễn nằm ngay bên dưới răng sữa dễ bị tổn thương.
Vì thế, nên cho trẻ đến phòng khám răng hàm mặt để khám răng sớm giúp trẻ làm quen với việc khám răng và bác sĩ nha khoa sẽ phát hiện những dấu hiệu sớm của bệnh sâu răng và cho trẻ những lời khuyên hữu ích.
Hãy hướng dẫn cho trẻ có những thói quen tốt
Các em ở lứa tuổi tiểu học có hệ răng hỗn hợp (vừa có răng sữa vừa có răng vĩnh viễn) nên việc chăm sóc, giữ gìn vệ sinh răng miệng là hết sức cần thiết. Vì trong giai đoạn này răng vĩnh viễn lần lượt mọc thay thế cho răng sữa. Răng sữa rụng đúng ngày, không bị sâu hay nhổ sớm thì răng vĩnh viễn sẽ mọc lên đúng chỗ, đều và đẹp.
Do đó, để tránh bệnh sâu răng và viêm nướu cho học sinh ở lứa tuổi này việc chăm sóc giữ gìn sức khỏe răng miệng là rất cần thiết để bệnh không xảy ra (dự phòng cấp 1). Muốn vậy, nên tập cho trẻ có thói quen tự chăm sóc vệ sinh răng miệng ngay ở trường cũng như tại nhà.
- Cha mẹ (cô giáo bảo mẫu) phải là người kiểm tra và giám sát việc chải răng cho trẻ.
- Chải răng ngay sau khi ăn và tối trước khi đi ngủ (trung bình 3 lần/ngày).
- Ăn đầy đủ chất bổ dưỡng, cân bằng và hợp lý.
- Hạn chế ăn bánh kẹo, ăn xong nhớ cho trẻ chải răng ngay. Không nên cho trẻ ăn quá nhiều lần trong ngày, đặc biệt là vào buổi tối trước khi đi ngủ vì dễ quên chải răng.
- Sử dụng kem đánh răng có fluor để phòng ngừa sâu răng (dùng kem đánh răng riêng cho trẻ em).
- Trám bít hố rãnh phòng ngừa sâu răng mặt nhai.
- Khám răng định kỳ 6 tháng/ lần để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các bệnh răng miệng, không nên để đến khi trẻ bị đau răng mới cho trẻ đi khám răng (làm trẻ sợ và gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý trẻ).
Trong trường hợp phải nhổ sớm răng sữa do không thể điều trị sẽ ảnh hưởng đến mọc răng vĩnh viễn: chậm mọc, thiếu chỗ mọc làm cho bộ răng vĩnh viễn sau này bị lệch lạc, do không kích thích sự phát triển của hệ thống sọ mặt làm thiếu chỗ mọc răng vĩnh viễn cũng như hàm của trẻ sẽ bị nhỏ…
Ở độ tuổi này, các em cũng cần cẩn thận khi vui chơi, chạy nhảy có thể bị té, ngã dẫn đến răng bị vỡ, bị gãy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự mọc và phát triển của răng. Khi gặp sự cố phải đến ngay bác sĩ nha khoa để khám và có biện pháp điều trị thích hợp. Trong trường hợp răng bị rơi ra ngoài, nên giữ lại răng và đến phòng nha khoa gần nhất trong vòng 30 phút để cắm lại răng (nếu có thể).
Vì vậy, chúng ta nên quan tâm chăm sóc răng cho trẻ ngay từ khi chiếc răng sữa đầu tiên mọc, giáo dục cho trẻ có ý thức, thói quen giữ gìn vệ sinh răng miệng khi trẻ đến tuổi đi học, để cho trẻ có hàm răng tốt, giúp cho trẻ có cơ thể khỏe mạnh với nụ cười duyên dáng.
ThS. Vũ Thị Kiều Diễm
Theo SK & ĐS Online