Đây là những điểm mới được đề xuất bổ sung trong Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Ảnh: Chinhphu.vn
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, đặt hàng, liên kết với người sản xuất lúa được làm đầu mối xuất khẩu gạo, tránh tình trạng doanh nghiệp mua bán giấy phép xuất khẩu. Đây là những điểm mới được Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bổ sung trong Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải xây dựng ít nhất một vùng nguyên liệu đảm bảo đủ lúa cung cấp ít nhất 15% lượng gạo xuất khẩu trong năm theo hợp đồng năm 2013, từ năm 2014 – 2015 phải đảm bảo ít nhất 50% lượng gạo xuất khẩu theo hợp đồng và sau 2015 là 80% trở lên.
Các quy định này không những giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn gạo, mà nông dân cũng có thị trường tiêu thụ ổn định hơn và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hệ thống kho chứa nhiều hơn.
Bộ Công thương cho rằng, Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ được sửa đổi theo hướng ưu tiên doanh nghiệp có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, đặt hàng, liên kết với người sản xuất lúa được làm đầu mối xuất khẩu gạo. Đồng thời có lộ trình phù hợp để doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo chủ động vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết: “Khuyến khích doanh nghiệp có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác đặt hàng liên kết với người sản xuất lúa gạo. Chúng tôi không khuyến khích doanh nghiệp làm thương mại đơn thuần. Sửa đổi Nghị định 109 thời gian tới theo hướng quy định cụ thể một số điều kiện về tài chính, kho bãi, thị trường, các quy định này sẽ tạo mạng lọc để loại bỏ các doanh nghiệp không đủ năng lực, hạn chế thấp nhất việc các doanh nghiệp chỉ kinh doanh thương mại tham gia xuất khẩu”.
Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý về mặt nguyên tắc việc sửa đổi bổ sung Nghị định 109 theo hướng: tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đủ điều kiện để kinh doanh, xuất khẩu gạo; ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp bán lại giấy phép hoặc trục lợi. Trước mắt vẫn tạm thời khống chế số lượng doanh nghiệp được phép kinh doanh xuất khẩu gạo. Đặc biệt, doanh nghiệp nào liên tiếp 2 năm không xuất khẩu quá 10.000 tấn gạo/năm thì sẽ không được cấp phép nữa./.
Theo Việt Hà/VOV.VN