Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Mặt trời đang thực hiện cuộc chuyển mình lớn sau chu kỳ 11 năm và từ trường của Mặt trời có dấu hiệu thay đổi cực trong thời gian gần đây. Sự thay đổi này có ảnh hưởng đến con người?
Các cực của Mặt trời bắt đầu đảo cực sau chu kỳ 11 năm - Ảnh: Space
TS Nguyễn Trọng Hiền, nhà vật lý thiên văn đang công tác tại NASA, cho biết: cứ 11 năm Mặt trời lại thay đổi chu kỳ một lần. Khi bắt đầu năm hoạt động mạnh, Mặt trời sẽ phát ra những tia vũ trụ mạnh. Việc gia tăng từ trường sẽ tăng tốc hạt vũ trụ và làm ảnh hưởng đến hoạt động của vệ tinh như các vệ tinh địa tĩnh, vệ tinh thông tin. Nếu ở hai cực Trái đất có lẽ sẽ thấy được sự thay đổi này qua việc xuất hiện nhiều tia cực quang hơn bình thường.
Trong hoạt động sinh hoạt đời sống hằng ngày, có thể người ta sẽ thấy sự ảnh hưởng này ở thiết bị có kết nối đến vệ tinh như điện thoại, GPS bị gián đoạn giây lát.
Tuy nhiên, việc thay đổi chu kỳ Mặt trời chỉ ảnh hưởng đến các cơ quan chủ quản của các vệ tinh; trường hợp nặng họ có thể bị mất vệ tinh. Với người tiêu dùng sẽ không thấy ảnh hưởng nhiều vì nếu mất vệ tinh này nhà khai thác có thể thay thế bằng vệ tinh khác.
Những người làm vệ tinh biết rất rõ về các chu kỳ thay đổi của Mặt trời và đôi khi các nhà kinh doanh dịch vụ vệ tinh sẽ vin vào cớ này để phục vụ khách hàng không đến nơi đến chốn.
Có thể khẳng định việc chuyển mình của Mặt trời chỉ ảnh hưởng đến vệ tinh chứ không ảnh hưởng đến con người vì Mặt trời ở rất xa Trái đất và chu kỳ thay đổi này đã xảy ra hàng triệu lần trong quá khứ.
H.NHUNG thực hiện
Theo tuoitre.vn/