Cập nhật: 14/08/2013 16:41:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Xuất khẩu, vốn là điểm mạnh của kinh tế nước ta và hiện nay, đây cũng là điểm sáng nhất trong nửa đầu kế hoạch 5 năm (2011-2015).

Kim ngạch xuất khẩu qua các năm. Nguồn: Tổng cục Thống kê; Kế hoạch 5 năm và phần ước tính

Kế hoạch 5 năm đề ra mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 12%/năm. Với kim ngạch năm 2010 đạt 71,63 tỷ USD, với tốc độ tăng 12%/năm, hay tăng 76,2% trong 5 năm, thì tính ra kim ngạch xuất khẩu đến năm 2015 phải đạt 126,24 tỷ USD.

Với kết quả 7 tháng năm 2013 (đạt 72,74 tỷ USD), nếu bình quân 1 tháng của 5 tháng còn lại của  năm nay bằng mức tháng 7 (11,2 tỷ USD), thì kim ngạch xuất khẩu cả năm 2013 sẽ đạt 128,74 tỷ USD.

Như vậy, kim ngạch xuất khẩu vượt trước 2 năm so với kế hoạch đề ra cho năm 2015!

Thông tin tổng quát về kim ngạch xuất khẩu theo mục tiêu đến 2015 và thực hiện từ 2010 đến nay như sau:

Như vậy, điểm sáng thứ nhất về xuất khẩu trong nửa đầu kế hoạch 5 năm là kim ngạch xuất khẩu đã về đích sớm. Nếu kim ngạch cả năm 2013 đạt như dự báo trên, thì xuất khẩu nửa đầu kế hoạch 5 năm còn có 9 điểm sáng khác nữa khi xét dưới các góc độ khác nhau.

Điểm sáng thứ hai là tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu/GDP năm 2013 có thể vượt qua mốc 74%, cao nhất từ trước tới nay, cao hơn 10 điểm phần trăm so với năm xuất phát điểm 2010 (64,7%). Đó là tỷ lệ thuộc loại khá cao so với các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; đối với Việt Nam xuất khẩu đã trở thành lối ra, là động lực của tăng trưởng kinh tế.

Điểm sáng thứ ba là kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người năm 2013 có thể vượt qua mốc 1.435 USD, vượt kỷ lục đã đạt được trong năm trước (1.290 USD) và vượt xa so với mức của năm gốc 2010 (830,5 USD). Với sự tăng lên nhanh chóng này, Việt Nam có thể không bị tụt hậu xa hơn, mà đang vượt lên. Cụ thể, thứ bậc về chỉ tiêu này của Việt Nam đã tăng lên (năm 2005 đứng thứ 5 Đông Nam Á/năm 2011 đứng thứ 4; năm 2005 đứng thứ 28 châu Á/2011 đứng thứ 24, vượt thứ hạng của Indonesia, Philippines, Ấn Độ; năm 2005 đứng thứ 112 thế giới/năm 2011 lên thứ 96).

Điểm sáng thứ tư là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt rất cao (năm 2011 tăng 34,2%, năm 2012 tăng 18,2%, dự báo năm 2013 tăng 12,4%); bình quân năm thời kỳ 2011-2013 tăng 21,6%, vừa cao hơn tốc độ tăng của thời kỳ 2006-2010 (17,2%), vừa cao hơn tốc độ tăng của kế hoạch 5 năm (12%), vừa cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của GDP (5,46%).

Điểm sáng thứ năm, cùng với việc mở rộng các mặt hàng xuất khẩu để tận dụng các thể mạnh của các vùng, miền, các thành phần kinh tế, tận dụng lao động, tay nghề, nguồn nguyên vật liệu, là tập trung cho các mặt hàng chủ lực. Số mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Năm 2010 có 19 mặt hàng, với kim ngạch 62,22 tỷ USD, chiếm 86,1%; mặt hàng có kim ngạch lớn nhất là dệt may, giày dép. Năm 2011 có 21 mặt hàng với kim ngạch 74,5 tỷ USD, chiếm 81%. Năm 2012 có 22 mặt hàng với kim ngạch lên tới 97,7 tỷ USD, chiếm 85,3%. Vị trí một số mặt hàng có sự thay đổi, trong đó, điện thoại từ thứ 10 năm 2010 lên thứ 4 năm 2011, thứ 2 năm 2012 và thứ nhất trong năm 2013; máy vi tính từ thứ 6 năm 2011 lên thứ 4 năm 2012 và thứ 3 năm 2013; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù từ thứ 28 năm 2011 lên 18 năm 2012 và thứ 14 năm 2013…

Điểm sáng thứ sáu là cơ cấu mặt hàng xuất khẩu đã có sự thay đổi đáng lưu ý. Tỷ trọng mặt hàng là nguyên liệu thô giảm; tỷ trọng hàng chưa qua chế biến  hoặc mới sơ chế cũng giảm; một số mặt hàng có trình độ thiết bị, kỹ thuật-công nghệ tăng như điện thoại, máy tính, máy ảnh, máy móc tăng lên.

Điểm sáng thứ bảy, cùng với việc mở rộng thị trường là việc tập trung phát triển các thị trường lớn, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc…

Điểm sáng thứ tám là nếu thời kỳ 2006-2010, tổng mức nhập siêu lên đến 12,55 tỷ USD/năm, thì bình quân 3 năm 2011-2013 (với ước tính năm 2013 nhập siêu khoảng 2 tỷ USD) con số này khoảng trên dưới 3,7 tỷ USD/năm, chỉ bằng khoảng 29,5% mức bình quân trong 5 năm trước, trong đó năm 2012 lần đầu tiên sau 20 năm đã xuất siêu.

Điểm sáng thứ chín là kết quả trên càng có ý nghĩa, khi đạt được trong điều kiện nhu cầu của nhiều nước đang bị co lại, trong điều kiện có nước đã sử dụng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước của họ bằng nhiều giải pháp như kiện và đánh thuế chống bán phá giá; giảm giá đồng tiền để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu…

Điểm sáng thứ mười là xuất khẩu đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá, góp phần kiềm chế lạm phát…

Mặc dù vậy, lĩnh vực xuất khẩu cũng còn không ít hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ. Cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch còn chậm, tỷ trọng nguyên liệu thô, hàng chưa chế biến hoặc mới qua sơ chế, hàng gia công còn chiếm tỷ trọng lớn. Hàng hóa có thương hiệu riêng và xuất khẩu thẳng chưa nhiều. Giá xuất khẩu năm ngoái, năm nay giảm, làm thiệt hại không nhỏ về kim ngạch của đất nước và quyền lợi của người sản xuất, nhất là nông dân. Nhập siêu lớn từ một số thị trường

Theo chinhphu.vn

Tệp đính kèm