Cập nhật: 12/09/2013 14:11:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thạch là món quà vặt được nhiều trẻ ưa thích, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Thạch vốn trơn, lại thường được sản xuất dưới hình trụ, khi ăn trẻ thường bóp ở đầu chóp thạch khiến thạch được đẩy ra rất nhanh, mạnh. Nhiều trẻ vì bị cả miếng thạch đẩy vào miệng nhanh, bất ngờ trôi tọt vào cuống họng nên bị hóc dị vật, gây ngạt thậm chí ngừng thở. Mới đây nhất, một em bé 4 tuổi ở Bình Dương đã tử vong do bị hóc thạch lại thêm một lần nữa cảnh tỉnh các bậc cha mẹ khi cho trẻ nhỏ ăn món yêu thích này.

Phương pháp vỗ lưng...

Dị vật khó gắp

Thông thường khi thức ăn chạm vào gốc lưỡi thì đường thở đóng lại, thức ăn sẽ qua thực quản xuống dạ dày. Tuy nhiên nếu thức ăn xuống quá nhanh khi đường thở vẫn mở thì sẽ trôi xuống và làm tắc đường thở. Ở trẻ em, phản xạ đóng mở đường thở và đường tiêu hóa chưa được tốt như người lớn, việc hóc dị vật đường thở hay xảy ra và dễ khiến trẻ tử vong trong vòng vài phút. 

Nếu dị vật là hình có góc cạnh, bệnh nhân có nhiều cơ hội cứu chữa hơn vì ôxy vẫn có thể "lọt" qua các khe hở. Nhưng nếu là những hình tròn nhẵn sẽ "bít" chặt đường thở, chỉ sau mấy phút thôi, bệnh nhân sẽ tử vong vì không được cung cấp ôxy. Thạch tuy không phải là hình tròn nhưng vốn mềm nên khi trôi xuống đường thở, rất dễ "thay đổi hình dáng" và ôm khít lấy đường thở. Do đó có thể khiến bệnh nhân tử vong ngay lập tức. Những ca hóc thạch khả năng cứu sống là cực kỳ khó, trẻ có thể tử vong ngay trên đường di chuyển từ nhà đến bệnh viện. Hơn nữa, việc gắp dị vật là thạch rất khó, các mảnh thạch dễ vụn nát rơi xuống đường thở sâu hơn. Thời gian "vàng" để xử lý các trường hợp hóc thạch cực kỳ ngắn, nếu được cấp cứu đúng trong vài phút đầu thì trẻ mới có nguy cơ sống sót

Xử trí khi trẻ hóc thạch

Trường hợp trẻ bị hóc thạch nói riêng và hóc dị vật đường thở nói chung, tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ, tránh nguy cơ làm dị vật vào sâu hơn, hay có thể làm trầy xước vùng họng, gây phù nề khiến trẻ khó thở hơn. Khi thấy trẻ tím tái, có thể áp dụng biện pháp đặc biệt: Đối với trẻ nhỏ, đặt trẻ lên đùi, đầu để thấp và quay nghiêng, sau đó vỗ vào lưng để thạch bật ra. Đối với trẻ lớn, đặt 2 tay dưới xương ức và tiến hành ấn. Khi nhìn thấy trẻ ho, bật dị vật ra rồi thì thôi. Sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí đúng cách và kịp thời. 

Tốt nhất, cha mẹ không nên cho trẻ ăn thạch, nhất là với trẻ dưới 2 tuổi bởi phản xạ đường thở chưa hoàn thiện rất dễ hóc. Nếu cho con ăn, không nên cho bé cầm cả cái thạch mà nên dùng thìa dằm nhỏ cho vào bát, cốc... Nên dạy trẻ có thói quen tập trung cao độ khi ăn, tránh cười đùa, chạy nhảy, nằm ăn và luôn để ý tới trẻ.

Bác sĩ Minh Ngọc

Theo suckhoedoisong.

Tệp đính kèm