Trước hiện trạng chất lượng môi trường biển đang suy thoái, nguồn lợi thủy sản khai thác quá mức, các hệ sinh thái bị phá hủy, mô hình bảo vệ biển quy mô nhỏ đã được hình thành ở một số địa phương tại nước ta. Đây là những vùng biển được quản lý bởi cộng đồng, hoặc những nhóm người sở hữu, sử dụng chung nguồn lợi.
Ảnh minh họa (Nguồn: NTD/dangcongsan.vn)
Mô hình này đang ngày càng chứng tỏ được hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi biển, do có sự tham gia đáng kể của cộng đồng địa phương trong quá trình xây dựng và vận hành.
Theo báo cáo của Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD): Hiện Trung tâm đang hỗ trợ 3 mô hình khu bảo vệ biển cấp địa phương khá tiêu biểu. Đó là Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào (Khánh Hòa); mô hình Đồng quản lý xã Nhơn Hải (Bình Định) và mô hình Tiểu khu đồng quản lý Bãi Hương (Quảng Nam), đều thuộc Dự án “Nâng cao khả năng phục hồi của các sinh kế cộng đồng, công tác quản lý thích ứng tại các khu bảo tồn biển địa phương của Việt Nam: Từ hành động địa phương đóng góp tới mạng lưới quốc gia”, do Chương trình rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) tài trợ, với sự điều phối của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN.
Ngoài 3 khu bảo vệ biển cấp địa phương nêu trên, còn có những khu được người dân và chính quyền địa phương thiết lập theo lối tự phát, chẳng hạn khu vực cửa sông ven biển thuộc xã Quỳnh Lập (Nghệ An), với mục tiêu bảo vệ nguồn lợi tôm biển và cải thiện sinh kế cho ngư dân, đồng thời bảo vệ bãi đẻ và giảm áp lực khai thác. Bãi triều ven biển thuộc xã Thạch Phong (Bến Tre) để phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, chủ yếu là giống nghêu thông qua hoạt động bảo vệ và kiểm soát khai thác. Hệ đầm phá xã Quảng Lợi (Thừa Thiên-Huế) với mục tiêu phát triển bền vững...
Các khu bảo vệ biển cấp địa phương đều có nguồn lợi biển và ven biển có giá trị về mặt khoa học, đặc biệt là hệ sinh thái rạn san hô. Kết quả nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang cho thấy, vùng biển Rạn Trào có tổng số khoảng 612 loài sinh vật, trong đó có 82 loài san hô và 69 loài cá, 25 loài động vật không xương sống bám rạn. Tại vùng biển Bãi Hương, các nhà khoa học ghi nhận có hơn 736 loài gồm 277 loài san hô và hơn 270 loài cá rạn. Vùng biển Nhơn Hải tuy chưa có các nghiên cứu chính thức về đa dạng sinh học, song ghi nhận từ địa phương có nhiều loại san hô, cá, đặc biệt là rùa biển và tôm hùm sinh sống tại khu vực này.
Các khu bảo vệ biển cấp địa phương này đã được thành lập ở cấp độ quản lý khác nhau. Ở cấp độ cao nhất là khu vực Rạn Trào đã được UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) chính thức ra quyết định thành lập, do Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban quản lý. Tại khu Bãi Hương, Đề án thành lập mô hình Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển do Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm xây dựng cũng đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Còn khu Nhơn Hải mới được gọi tên là mô hình Đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, do Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định hỗ trợ kỹ thuật. Hiện Nhóm hạt nhân đồng quản lý đã thành lập theo Quyết định số 45 của UBND xã Nhơn Hải.
Sau khi được thành lập, dù ở cấp độ quản lý khác nhau, song các khu bảo vệ biển cấp địa phương đều đã đạt được những kết quả đáng kể. Về bảo vệ nguồn lợi, tại Rạn Trào đã ghi nhận có sự tăng lên về mật độ cá rạn và sự phục hồi của 2 loài cá bản địa là cá chim cờ và cá hồng bốn sọc. Tương tự tại Nhơn Hải rạn san hô cũng phục hồi rõ rệt, nhờ đó nhiều loài cá rạn, lượng cầu gai, nhím biển cũng gia tăng nhanh chóng.
Bên cạnh đó, hàng loạt các sự kiện tuyên truyền về bảo vệ môi trường biển, việc tăng cường tuần tra, giám sát được tổ chức thường xuyên ở cả 3 khu bảo vệ biển cấp địa phương. Từ đó ý thức gìn giữ môi trường biển và nguồn lợi thủy sản trong khu vực được nâng lên rõ rệt. Nhận thức về bảo vệ môi sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn lợi biển của đại bộ phận nhân dân được thay đổi rõ rệt.
Theo đánh giá của UBND xã Nhơn Hải, khu vực này đã giảm được khoảng 80% lượng rác thải rắn. Các chất thải khác như dầu thải loại được người dân chủ động thu gom, xử lý đúng nơi quy định; 100% hộ ngư dân cam kết không sử dụng chất nổ khai thác thủy sản, không khai thác rạn san hô và bảo vệ các bãi đẻ của rùa biển.
Hiện khu Rạn Trào đã trở thành một điểm nghiên cứu được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm. Có khoảng 14 công trình nghiên cứu khoa học được triển khai ở đây. Tiêu biểu như nghiên cứu “Đánh giá tổng quan các mô hình đồng quản lý trong ngành thủy sản ở Việt Nam”, do Viện Kinh tế Quy hoạch thủy sản thực hiện năm 2009. Qua đó, khu Rạn Trào được đánh giá là một trong 2 mô hình được đánh giá cao nhất trong 28 mô hình khu bảo vệ biển cấp địa phương. Tại Nhơn Hải, nhờ môi trường được cải thiện giúp người dân nuôi ốc hương đạt hiệu quả kinh tế cao, kéo theo lượng khách đến tham quan, du lịch tăng gấp nhiều lần so với thời kỳ trước.
Trong giai đoạn 2013-2015, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng sẽ tiếp tục hỗ trợ khu bảo vệ biển cấp địa phương Rạn Trào, Nhơn Hải, Bãi Hương, với nội dung tăng cường năng lực quản lý của các nhà quản lý và cộng đồng; kế hoạch quản lý thích ứng được hoàn thiện và chia sẻ trong mạng lưới khu bảo tồn biển Việt Nam; khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu của các sinh kế cộng đồng được cải thiện./.
Văn Hào/TTXVN