Cập nhật: 03/10/2013 08:46:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thị trường phân bón trong nước vẫn diễn biến rất phức tạp. Phân bón giả và kém chất lượng đã là vấn nạn từ lâu, đến nay tình trạng này xuất hiện ở 3 khâu: sản xuất, lưu thông trên thị trường và nhập khẩu.

Phân bón kém chất lượng bị lực lượng chức năng thu giữ.

Ông Nguyễn Đắc Tranh, một nông dân ở xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cho biết gia đình ông mua phân NPK để bón cho cây lúa, nhưng bón xong thì thấy cây lúa không phát triển.

Khi gia đình đem loại phân bón đã bón cho loại cây trồng khác thì thấy phân bón đó không hòa tan được và bị vón cục. Lúc này ông mới biết là mình đã mua phải phân bón giả, kém chất lượng. Ông Tranh chỉ là một trong nhiều nông dân mua phải phân bón giả.

Mặc dù chưa có số liệu chính thức về lượng phân bón giả ở từng khâu, theo Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) Phùng Hà, qua thực tế kiểm tra thì hàng giả nhiều nhất là ở khâu sản xuất.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Đỗ Thanh Lam cho biết:  Do lợi nhuận thu được từ buôn lậu lớn nên các đối tượng không từ bỏ thủ đoạn nào để vi phạm thu lợi bất chính. Riêng 9 tháng năm 2013, các lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 350 vụ, tịch thu hơn 700 tấn phân bón. Vi phạm phổ biến nhất là nhái thương hiệu của doanh nghiệp có uy tín, chất lượng phân bón không đúng theo chất lượng đăng ký trên bao bì...

Theo Trưởng Phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ NNPTNT Phạm Tiến Dũng, hiện mặt hàng phân bón có tới 5 Bộ quản lý. Tuy nhiên, việc xử lý phân bón giả vẫn gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng của thị trường phân bón, nhiều doanh nghịêp cho rằng cần sớm sửa đổi Nghị định về quản lý. Theo đó, cần có các biện pháp đủ mạnh để dẹp nạn phân bón giả cũng như đưa phân bón vào ngành hàng hóa sản xuất và kinh doanh có điều kiện.

Về vấn đề này, Cục trưởng Phùng Hà cho biết, hiện dự thảo đã được trình Chính phủ. Trong đó, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện về sản xuất phân bón thì mới được cấp Giấy phép sản xuất phân bón. Với quy định này, các tổ chức sản xuất phân bón sẽ phải đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo chất lượng phân bón đồng thời sẽ loại bỏ được những tổ chức yếu kém, không đủ điều kiện, hạn chế được tình trạng phân bón giả, kém chất lượng đang tràn lan trên thị trường.

Dự thảo cũng quy định các điều kiện kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón. Tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón phải đáp ứng các điều kiện về  kho chứa, chứng từ hợp pháp, về điều kiện an toàn, phòng chống cháy nổ, công cụ, thiết bị chứa đựng, lưu giữ phân bón phải bảo đảm được chất lượng, cửa hàng hoặc địa điểm kinh doanh, nơi bày bán phải bảo đảm giữ được chất lượng phân bón theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân khi xuất khẩu phân bón phải thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng trong quá trình sản xuất hoặc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm do mình sản xuất để xuất khẩu. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân bón phải có Giấy chứng nhận hợp quy lô phân bón nhập khẩu do tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp; phân bón nhập khẩu phải có nhãn hàng hoá theo quy định.

Mặt khác, để quản lý chất lượng phân bón, dự thảo đề xuất quy định phân bón là sản phẩm nhóm 2, quản lý  chất lượng theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Đồng thời, dự thảo quy định Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón, quy định việc công bố hợp quy chất lượng phân bón.

Theo ông Hà, sau khi Nghị định về quản lý phân bón được ban hành, với các điều kiện  quy định chặt chẽ  hy vọng vấn nạn phân bón giả sẽ được đẩy lùi.

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm