Cập nhật: 25/10/2013 10:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

So với miền xuôi, việc sản xuất lúa hàng hóa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn ở miền núi có những khó khăn nhất định, trong đó có việc thay đổi trình độ canh tác, tập quán sản xuất của người dân. Thực tế ở Yên Bái cho thấy, nếu thực hiện hợp lí và sát thực tế, đây là một hướng đi rất cần thiết để nâng cao đời sống cho người dân vùng cao, cũng như góp phần hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở miền núi.

Cánh đồng mẫu lớn xã Phù Nham (Ảnh: Nongnghiep.vn)

Huyện Lục Yên triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở 6 xã, với diện tích trên 185 ha, chủ yếu là cấy giống lúa Nghi hương 2308 và N.ưu 69. Nhờ áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất đến thu hoạch nên năng suất lúa trên cánh đồng mẫu đạt tới 327 kg/sào, hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất đại trà khoảng 13%; thời gian thu hoạch lúa nhanh, giúp bà con chủ động triển khai các mùa vụ.

Ông Hoàng Văn Vui, Bí thư Huyện ủy Lục Yên phấn khởi cho biết: “Làm cánh đồng mẫu lớn cho năng suất lúa rất cao. Người dân tham gia cánh đồng mẫu lớn rất phấn khởi, và cũng nâng cao trình độ sản xuất”.

Để người dân hưởng ứng việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn, huyện Lục Yên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở nhiều cuộc họp để giải đáp cho bà con. Tham gia mô hình, ban đầu các hộ dân được trợ giá giống, được tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trong suốt quá trình phát triển của lúa. Cách thức canh tác thay đổi hoàn toàn so với tập quán sản xuất cũ, nhưng với sự trợ giúp từ chính quyền và ngành chức năng, người dân đã tự tin thực hiện, qua đó kết quả đạt được rất khả quan.

Ông Hoàng Đình Hán, một hộ dân ở xã Tân Lĩnh cho biết: “Thực hiện mô hình này, người dân tiến bộ hơn, biết cách chăm sóc, thâm canh đồng ruộng. Bà con rất phấn khởi và tích cực”.

Huyện Văn Chấn, huyện có diện tích lúa lớn nhất tỉnh Yên Bái, cũng đang từng bước xây dựng cánh đồng mẫu lớn với mục tiêu sản xuất lúa đặc sản cung cấp cho các thị trường lớn. Đó là các giống: ĐS1, J01, Séng Cù, HT1...

Trước đó, việc dồn điền đổi thửa đã được thực hiện một cách hợp lí trên cơ sở điều kiện tự nhiên của địa phương. Hiện nay, trên các cánh đồng mẫu ở Phù Nham, Sơn A và nhiều xã khác, nông dân địa phương gieo cấy cùng một giống lúa, cùng một thời điểm và áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ khâu giống, vật tư phân bón, kỹ thuật canh tác nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, giảm chi phí đầu vào, bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.

Theo ông Hoàng Tuấn Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Nham, năng suất trung bình trên các cánh đồng mẫu của địa phương này có nơi đạt đến 7 tấn/ha, cao hơn nhiều so với sản xuất lúa thông thường. “Bằng nhiều biện pháp, địa phương đã tuyên truyền để nhân dân nhận thức được tầm quan trọng của việc sản xuất lúa hàng hóa tại địa phương. Qua sản xuất, bà con đã nhận rõ được giống lúa mới phù hợp với điều kiện của địa phương, lúa phát triển tốt, năng suất đảm bảo, giá thành lại cao, đảm bảo được thu nhập”.

Nhằm có những giống tốt cho các cánh đồng mẫu lớn, trong thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Yên Bái đã có sự phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, các viện nghiên cứu thử nghiệm và đưa ra nhiều giống lúa chất lượng cao cho địa phương mình.

Kết quả là hiện nay nhiều loại giống có mặt ở Yên Bái đã khẳng định được được chất lượng bằng sự thơm ngon, được bà con nông dân tin tưởng và được thị trường ưa chuộng như: ĐS1, J01, Séng Cù, HT1, Nghi hương… Tuy nhiên, do nằm xa các thị trường lớn nên các địa phương ở Yên Bái gặp khó khăn trong việc tìm doanh nghiệp tham gia đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Trong khi đó, việc bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch cũng rất đáng quan tâm... Đây là những khó khăn mà các địa phương ở Yên Bái đang từng bước tháo gỡ, nhằm thực hiện thành công các cánh đồng mẫu lớn.

Ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: “Huyện tiếp tục chỉ đạo một số xã tập trung sản xuất lúa tập trung, liên kết với các nhà khoa học, các doanh nghiệp với mục tiêu là thực hiện thành công cánh đồng mẫu lớn”.

Dù điều kiện thực hiện gặp nhiều trở ngại và khó khăn hơn so miền xuôi, nhưng việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở miền núi có thể coi là một trong những cơ sở quan trọng để hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở khu vực khó khăn nhất cả nước này./.

Theo Đinh Tuấn/VOV.VN

Tệp đính kèm