Cập nhật: 28/10/2013 10:01:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an, tội phạm trong lĩnh vực thuế đang diễn ra ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp với nhiều thủ đoạn trốn thuế và hành vi gian lận rất tinh vi. Nổi bật là việc các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tìm mọi cách báo cáo giảm lợi nhuận, từ đó giảm thu nhập để trốn thuế. Tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn xảy ra ở các loại hình kinh doanh dịch vụ, thương mại, xây dựng. Ngoài ra, còn có nhiều đối tượng không tuân thủ các quy định về kế toán, mua bán vòng vèo, qua nhiều khâu trung gian, sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn để trốn thuế.

Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra hàng nhập khẩu.

Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, các đối tượng thường dùng thủ đoạn giảm giá hàng hóa nhập khẩu, ghi giá trong hợp đồng thấp hơn so với giá trị thực tế, đặc biệt là khai sai chủng loại hàng hóa, từ hàng có giá trị cao, thành hàng hóa có giá trị thấp, đời cũ. Hàng mới 100% thành hàng đã qua sử dụng, lợi dụng các chế độ ưu đãi để nhập khẩu thêm nhiều hàng hóa.

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tiền ngân sách qua hoàn thuế GTGT thông qua việc các doanh nghiệp hình thành loại hình công ty mẹ, công ty con, mở chi nhánh ở nhiều địa phương để xuất hoá đơn GTGT mua bán hàng hoá lòng vòng với nhau mà không có hàng hoá, thậm chí ghi giá trị bán thấp hơn giá đầu vào (bán lỗ) để làm thủ tục hợp thức hoá hồ sơ xin hoàn thuế nhằm chiếm đoạt tiền ngân sách Nhà nước.

Cũng có trường hợp lợi dụng một số văn bản về thuế chưa đồng bộ để cố tình trốn thuế GTGT.

Theo ông Lê Xuân Trường, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Hải Phòng, hành vi mua bán và sử dụng trái phép hóa đơn GTGT hiện nay diễn biến rất phức tạp và gây bức xúc trong xã hội.

“Các đối tượng bán hóa đơn GTGT thì trục lợi qua việc bán, còn các đối tượng sử dụng hóa đơn GTGT thì để khấu trừ, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước và đồng thời cũng sử dụng hóa đơn GTGT này như một phương tiện thực hiện hành vi tham nhũng. Nếu pháp luật quy định chặt chẽ hơn về việc thành lập doanh nghiệp sẽ hạn chế công ty ma, từ đó hạn chế được hành vi mua bán sử dụng trái phép hóa đơn” - ông Trường cho biết.

Là địa phương vừa bắt vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền hoàn thuế lên đến 109 tỷ đồng, ông Đỗ Minh Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, cho biết: Kiên Giang là tỉnh biên giới giáp với Campuchia, do đó việc mua bán hàng hóa cũng khá phố biến. Nhiều đối tượng lợi dụng chủ trương của Nhà nước hiện nay là ưu đãi bán hàng qua Campuchia để được hoàn thuế GTGT. Có đối tượng một ngày quay 25 tua với 1 tỷ đồng, bằng 25 tỷ thì được hưởng 10% là 2,5 tỷ. Vì thế, bây giờ phải kiểm soát thật chặt hóa đơn.

Theo đánh giá của ngành Công an và cơ quan thuế, trong tình hình kinh tế hiện nay có nhiều khó khăn phức tạp, đã và sẽ phát sinh nhiều hình thức trốn thuế, gian lận thuế mới với nhiều thủ đoạn tinh vi, vi phạm có tổ chức và quy mô lớn, đối tượng vi phạm sử dụng công nghệ cao để khó phát hiện.

Do vậy, để ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thuế và chống thất thu cho NSNN, đòi hỏi các cơ quan phối hợp quyết liệt hơn, đổi mới phương pháp đấu tranh. Theo đó, ngành công an và thuế sẽ tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh, mua bán sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, hoạt động kinh doanh bất động sản, hoạt động tài chính ngân hàng, hoạt động kinh doanh có dấu hiệu chuyển giá, kinh doanh thương mại điện tử.

Một trong những điểm quan trọng, chính là cơ quan thuế phải siết chặt quản lý chính nhân viên ngành mình, tránh việc nới lỏng, thậm chí tiếp tay cho tình trạng vi phạm pháp luật về thuế./.

Theo Phạm Hạnh/Báo VOV.VN

Tệp đính kèm