Khoảng 73% số người bán buôn rau được điều tra tại các chợ không phân biệt được rau an toàn nếu không có các hỗ trợ kỹ thuật. Tỷ lệ này ở nhóm mua rau lên tới 95%.
Cần nhân rộng mô hình trồng rau an toàn.
Việt Nam bắt đầu thực hiện các chương trình trồng rau an toàn (RAT) cách đây hơn 15 năm. Nhiều dự án đã được thực hiện, nhưng đến nay công tác quản lý ATTP với các sản phẩm rau tại các chợ đầu mối vẫn rất lỏng lẻo. Các tiểu thương không mặn mà với RAT vì không có lợi nhuận, trong khi người tiêu dùng cũng không thể phân biệt được RAT với các loại rau không an toàn.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo "Quản lý ATTP đối với sản phẩm rau từ các hộ sản xuất nhỏ đến các đầu mối phân phối" diễn ra tại Hà Nội.
Cuộc điều tra về ATTP đối với sản phẩm rau tại các chợ bán buôn của Hà Nội do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) thực hiện năm 2013 cho thấy những thực trạng đáng lo ngại về công tác quản lý ATTP với sản phẩm rau tại các chợ bán buôn của Thủ đô. Công tác quản lý ATTP nói chung và đối với sản phẩm rau nói riêng chưa được thực hiện một cách sát sao tại chợ đầu mối Hà Nội. Nhiều đợt kiểm tra chỉ mang tính phong trào. Tại các chợ, chưa có hoạt động giám sát, quản lý thường xuyên đối với ATTP.
Khảo sát của Ipsard cho thấy, khoảng 73% số người bán buôn rau được điều tra tại các chợ không phân biệt được RAT nếu không có các hỗ trợ kỹ thuật như các công cụ để kiểm tra độ an toàn của rau, tỷ lệ này ở nhóm mua rau lên tới 95%. Chỉ có 60% số người mua rau thực sự quan tâm đến ATTP của rau.
Đặc biệt, đáng ngại là có tới 30% số người bán buôn rau được điều tra cho rằng không cần thiết phải cung cấp RAT do kinh doanh mặt hàng này không có lãi, chi phí sản xuất cao trong khi đầu ra không ổn định cả về giá cả và chất lượng.
Người kinh doanh RAT cũng chưa nhận được sự ưu đãi đáng kể so với người kinh doanh rau thường. Hiện chưa có chợ bán buôn nào có các phân khu riêng cho RAT. Do đó, tỷ lệ RAT được cung ứng tại các chợ bán buôn còn hạn chế.
Theo ước tính của đại diện BQL chợ Long Biên, chợ Hôm-Đức Viên và chợ Đồng Xa, lượng RAT cung ứng tại các chợ này chỉ dưới 10%. Trong khi BQL chợ rau của hai chợ còn lại không xác định được lượng RAT thực tế được cung ứng do không có hoạt động khai báo của người bán hàng và không có phân khu riêng cho nguồn RAT.
Do đó, theo các đại biểu, để đảm bảo ATTP cho rau, một trong những biện pháp quan trọng là tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm rau tại các chợ. Để làm được điều này cần khuyến khích các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, công ty kinh doanh rau an toàn xây dựng cơ chế hợp tác, kinh doanh lâu bền với các chợ đầu mối để đảm bảo nguồn cung.
Theo Chinhphu.vn