Đến hết tháng 8/2013, cả nước có 48.000 DN giải thể và ngừng hoạt động. Với “tiến độ” như hiện thời, dự báo 2013 sẽ có hơn 70.000 DN giải thể và ngừng hoạt động.
Ảnh minh họa.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
[video]/upload/2013/Audio/RADIOVIETNAM/THANG-11/11.13SuTangTruongDangSo.mp3[/video]
Tại thời điểm này, số doanh nghiệp (DN) buộc phải giải thể và ngừng hoạt động rất nhiều. Đành rằng có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng đây là vấn đề thật sự đáng lo ngại.
Năm 2010, có 43.000 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động. Sau đó 1 năm, con số này “tăng trưởng” lên đến 53.000 DN, tăng hơn 10.000 DN. Năm 2012, mức “tăng trưởng” có giảm nhưng trường hợp bị giải thể và ngừng hoạt động vẫn còn 54.000 DN, so với năm trước đó tăng hơn 1 ngàn DN. Đến hết tháng 8-2013, trên địa bàn cả nước có 48.000 DN giải thể và ngừng hoạt động. Với “tiến độ” như hiện thời, dự báo 2013 sẽ có hơn 70.000 DN giải thể và ngừng hoạt động.
Năm 2012, bình quân mỗi tháng có 4.500 DN giải thể và ngừng hoạt động. Trong khi đó, tính đến cuối quý 3/2013, mức bình quân DN giải thể và ngừng hoạt động lên đến 6.000 DN/tháng, tăng hơn 1.500 DN/tháng so với 2012. Không chỉ “tăng trưởng” về chỉ số giải thể và ngừng hoạt động, nhiều DN mặc dù năm trong danh sách đang hoạt động nhưng công suất bị cắt giảm lên đến 30%-50%.
DN bị giải thể và ngừng hoạt động trở thành nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều hệ lụy nặng nề: bị mất việc làm, đời sống số đông người lao đông vốn đã khó khăn càng trở nên khốn khổ hơn, nghĩa vụ nạp ngân sách của DN không tăng mà còn giảm mạnh, vấn đề an sinh xã hội có nguy cơ bất ổn…Số lao động mất việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định chiếm tỉ lệ không nhỏ và ở trong chiều hướng gia tăng. Liên tục những năm gần đây, nhất là từ đầu 2013 đến nay, số DN giải thể và ngừng hoạt động tăng mạnh, theo đó số lao động mất việc làm cũng tăng lên ở mức tương ứng.
Số DN bị giải thể và ngừng hoạt động tăng mạnh trở thành nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng giảm nguồn thu ngân sách và nợ đọng thuế. Không có nguồn thu (vì DN không còn hoạt động) lấy đâu ra tiền mà nộp thuế cho nhà nước. Thậm chí không ít DN còn nợ lương công nhân, còn tiền thuế thì trở thành… nợ xấu.
Tính đến hết quý 2-2013, các loại hình doanh nghiệp còn nợ đọng tiền thuế hơn 64.630 tỉ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kì 2012. Tương tự như vậy, do hoạt động kém hiệu quả, tổng số tiền bị lỗ của hệ thống DN cũng nằm trong chiều hướng… gia tăng.
Cộng đồng DN được coi là một trong những trụ cột của nền kinh tế, không chỉ tạo ra nguồn lực vật chất mà còn góp phần quan trọng giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Nền kinh tế cũng như đời sống người lao động đang đặt ra yêu cầu bức thiết: bằng sức mạnh tổng hợp, trước hết là yếu tố nội lực, phải khẩn trương vực dậy cộng đồng DN.
Theo Radio Việt Nam