Mỗi nước có một cách tưởng niệm riêng nhằm thu hút sự chú ý, nâng cao nhận thức của người dân về an toàn giao thông.
Ngày 17/11, nhiều nước trên thế giới tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông. Bên cạnh các hoạt động truyền thống như thắp nến, diễu hành.... mỗi nước có một cách tưởng niệm riêng nhằm thu hút sự chú ý, nâng cao nhận thức của người dân về an toàn giao thông.
Chủ đề của Ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm nay là “Hãy làm các con đường an toàn cho tất cả”, nhấn mạnh đến vai trò trụ cột 2 của kế hoạch hành động toàn cầu vì cơ sở hạ tầng giao thông an toàn hơn. Các cơ quan quản lý đường giao thông cần phải có trách nhiệm pháp lí đảm bảo an toàn con đường, đáp ứng yêu cầu của người tham gia giao thông, khuyến khích các nghiên cứu và phát triển đường giao thông an toàn.
Theo chuyên gia về an toàn giao thông của châu Âu bà Eva Molnar, đường giao thông an toàn là một trong 3 yếu tố quan trọng làm giảm các vụ tai nạn.
“Đường an toàn, phương tiện an toàn, hành vi an toàn là những yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn giao thông . Đây cũng là điều chính phủ các nước cần lưu tâm để thông qua các chiến lược quốc gia về an toàn giao thông. Các chiến lược này phải tham vọng nhưng cũng thực tế với những mục tiêu cụ thể”, bà Eva Molnar nói.
Trong thông điệp nhân Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, Tổng thư kí LHQ - Ban Ki-moon nhấn mạnh đến những thiệt hại to lớn về người và của do tai nạn giao thông gây ra. Hàng năm có hơn 1 triệu người tử vong và khoảng 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông, với những người trở thành tàn phế suốt đời. Cộng đồng quốc tế cần phải đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỉ vào năm 2015. Theo ông Ban Ki-moon, chính phủ các nước cần đưa ra những hành động cụ thể để đảm bảo an toàn giao thông như là một phần trong chính sách phát triển tương lai.
Theo thống kê của LHQ, gần 4.000 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người bị thương do tai nạn giao thông trên toàn thế giới mỗi ngày. Nhiều gia đình không chỉ đối mặt với sự mất mát người thân mà còn là một gánh nặng tài chính khi lâm vào cảnh đói nghèo do mất đi lao động chính trong gia đình.
Theo ông Jan Kubis, Thư ký điều hành của Ủy ban Kinh tế LHQ về châu Âu, giảm số vụ tai nạn giao thông hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của mỗi người và mỗi quốc gia.
“Tiếp cận, thực hiện và bắt buộc tuân theo các qui tắc là điều mà các chính phủ hoàn toàn có thể làm được. Nếu không có sự cam kết chính trị của chính phủ các nước sẽ không có bất cứ bước tiến nào. Những người tham gia giao thông đều phải tuân thủ các nguyên tắc. Tất cả chúng ta đều có thể thực hiện được điều này”, ông Jan Kubis cho biết.
Hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông diễn ra tại nhiều nước. Chiến dịch truyền thống “Đốt lên hi vọng” bao gồm đốt nến, bật điện hay đuốc.... từ 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm trong ngày 17/11 được tổ chức tại hầu hết các nước trên thế giới.
Bên cạnh hoạt động truyền thống này, mỗi nước cũng có cách riêng để thu hút sự chú ý, giúp nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề an toàn giao thông. Tại Ailen, các hoạt động như thắp nến, thắp đèn lồng hay thả bóng lên trời diễn ra tại nhiều nơi để tưởng niệm các nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông.
Còn ở thành phố Crete của Hy Lạp, ngày hôm nay sẽ diễn ra lễ trao giải cuộc thi sinh viên sáng tạo về an toàn giao thông. Một cuộc diễu hành qui mô lớn với sự tham dự của 18.000 người cũng diễn ra ở thành phố Pietermaritzburg của Nam Phi. Người dân Ukraine lại tưởng nhớ ngày này bằng một giải đấu bóng rổ quốc tế để tưởng nhớ vận động viên bóng rổ tài năng Sergei Konenko thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông./.
Theo Phạm Hà/VOV.VN