Cập nhật: 27/11/2013 10:02:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 đang được về đích. Rất nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp đã được ban hành từ đầu năm để đảm bảo thực hiện mục tiêu này. 

Ngoài vốn, để đảm bảo sản xuất, người nông dân cần nhiều điều kiện khác nữa.  ảnh: k.t

Nghe nội dung chi tiết tại đây:     

[video]/upload/2013/Audio/RADIOVIETNAM/THANG-11/11.27HoTroPhaiDuocDuaVaoThucTe.mp3[/video]

Các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 đang được khẩn trương phấn đấu về đích. Rất nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp đã được ban hành từ đầu năm đến nay để đảm bảo thực hiện mục tiêu quan trọng này, song mọi chính sách, giải pháp cần phải được áp dụng kịp thời, cụ thể và hợp lý vào thực tế mới mang lại hiệu quả mong muốn.

Báo cáo trước Quốc hội trong phiên trả lời chất vấn cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình khẳng định, Ngân hàng đã cung ứng vốn “không thiếu một đồng, không chậm một ngày” cho nông dân tái sản xuất cây cà phê, cho thu mua lúa gạo, cho thực hiện xóa đói giảm nghèo… Tuy nhiên, trong thực tế, cùng với đồng vốn ấy, người sản xuất - đặc biệt là người nông dân cần nhiều điều kiện khác nữa.

Để tái canh cây cà phê, cùng với vốn được vay, người trồng cà phê cần cây giống tốt, cần nước tưới hợp lý, cần phân bón chất lượng đảm bảo chứ không phải là giống cà phê không rõ nguồn gốc, là phân bón giả gây rụng lá và làm chết hàng loạt vườn cà phê vừa mới kịp xanh tốt. Thêm nữa, việc tiêu thụ sản phẩm làm ra với giá cả hợp lý, làm sao để người nông dân có lãi tương xứng với sức lao động bỏ ra đối với ngành nghề, như mục tiêu lãi ít nhất 30% đối với người trồng lúa, đang được Chính phủ chỉ đạo thực hiện.

Ngay như với cây lúa, đâu phải chỉ có hỗ trợ vốn và lãi vay thu mua tạm trữ là đủ. Hỗ trợ như thế đã nhiều mùa vụ trôi qua, nhưng những ưu đãi này ít đến được người nông dân. Giá mà thương nhân mua lúa gạo của nông dân chẳng phải vì được hỗ trợ mà tăng lên, bởi vốn ưu đãi ấy là rót cho doanh nghiệp. Người nông dân cũng còn cần nhiều thứ lắm. Cứ bảo rằng giống lúa này đừng trồng nữa (như IR 50404 chẳng hạn) vì thị trường không ưa, nhưng nếu muốn trồng giống khác thì là giống nào và ở đâu, và trồng bao nhiêu diện tích cho phù hợp?

Rồi với con cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long, đã bao năm nay con cá đặc sản của Việt Nam chiếm tới 90% thị phần thế giới này cứ quẩn quanh bơi trong điệp khúc vào vụ thu hoạch thì rớt giá, không ai mua, hoặc mua rất ít với giá còn thấp hơn giá thành, hoặc đến khi được giá thì chẳng có cá mà bán vì lúc trước đã lỡ treo ao bỏ nuôi do thua lỗ vụ trước đó.

Nhìn về xa hơn, một đặc sản nổi tiếng nữa là quả vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) hay Lục Ngạn (Bắc Giang) cũng triền miên năm này qua năm khác mang lại những nhọc nhằn lo lắng cho người trồng vải bởi giá bán quá thấp, thậm chí có năm nhiều nơi không muốn thu hoạch bởi chi phí thu hoạch còn lớn hơn cả giá bán quả.

Thật ra, lúa gạo, cá tôm, những nông sản, đặc sản ấy thực tế ít nhiều đều có sự ưu đãi của Nhà nước. Tuy nhiên, những ưu đãi ấy vì nhiều lý do đã rất ít đến được với người nông dân, hoặc đến được thì lại không phù hợp, không mấy phát huy tác dụng.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ gần đây nhất, một số nội dung quan trọng cho phát triển KT-XH đã được đưa vào nghị quyết, trong đó có việc “tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, khẩn trương hỗ trợ đồng bào bị thiên tai”.

Theo số liệu ước tính, cho đến nay, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng mới dừng ở mức khoảng 6 - 7% so với mục tiêu 12% đặt ra. Điều này cho thấy sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Trong điều kiện đó, việc hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên thật sự là cần thiết và xác đáng. Tuy vậy, quan trọng hơn cả là phải tháo gỡ được những khó khăn để đẩy được đồng vốn vào thị trường, vào vòng quay sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm và tái sản xuất.

Trong các mục tiêu quan trọng được Đảng và Chính phủ đặt ra, an sinh xã hội luôn là một trong những mục tiêu quan trọng nhất. Và để bảo đảm thực hiện được mục tiêu này, phải có những chính sách tương ứng.

Theo khái niệm chung, nhóm chính sách an sinh xã hội thường có 3 nhóm chính là chính sách phòng ngừa rủi ro, chính sách giảm thiểu rủi ro và chính sách khắc phục rủi ro. Trong đó, chính sách phòng ngừa rủi ro là các chính sách giúp cho mọi tầng lớp dân cư có việc làm, có thu nhập, có năng lực vật chất cần thiết để đối phó với rủi ro.

Như thế, nếu việc phòng ngừa rủi ro được thực hiện tốt sẽ là điều kiện chính yếu để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra không cần ứng dụng chính sách giảm thiểu rủi ro và khắc phục rủi ro. Có nghĩa là chỉ cần thực hiện tốt chính sách phòng ngừa rủi ro là đã đảm bảo được an sinh xã hội.

Muốn vậy, những ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh và những ưu tiên khác nữa cần phải được đưa vào ứng dụng hiệu quả trong thực tế.

Theo Radio Việt Nam

Tệp đính kèm