Cập nhật: 11/12/2013 09:34:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những tin đồn thất thiệt như: Sữa này bẩn, sữa kia sạch, sữa có đỉa… như những con sóng dữ vỗ thẳng vào "mặt" thị trường sữa.

Chăn nuôi bò sữa giờ là nghề để làm giàu

Nghe nội dung chi tiết tại đây:  

[video]/upload/2013/Audio/RADIOVIETNAM/THANG-12/12.11ThiTruongSUa.mp3[/video]

Ba năm gần đây, các hãng sữa cạnh tranh dữ dội khiến thị trường dậy sóng.

Thị trường sữa bắt đầu rối tinh lên kể từ năm 2010 khi các “đại gia” sữa tuyên bố nhập khẩu hàng ngàn con bò sữa. Với khoản đầu tư mạnh tay, TH milk thâm nhập thị trường sữa với những thông điệp sự trực diện, khiến dấy lên những tranh cãi trên các phương tiện truyền thông: TH milk ngạo mạn hay thông minh?…

Sau những lần TH milk tổ chức hội thảo về ngành sữa, lập tức trên các phương tiện truyền thông lại xuất hiện những khái niệm mới: Sữa bò nguyên liệu trang trại và sữa bò do nông dân cung cấp; sữa bò trang trại tốt hơn sữa bò do nông dân cung cấp, dù chưa có một công trình khoa học nghiên cứu nào khẳng định điều này.

"Ông" sữa bò trang trại lý giải, việc thu mua sữa từ nông dân, chở sữa bằng xe máy từ hộ chăn nuôi đến bồn chứa có thể xảy ra hỏng sữa. Mỗi hộ nông dân có nguồn cỏ khác nhau, cách chăm sóc khác nhau nên khó có sữa nguyên liệu chất lượng đồng nhất. Không chịu kém cạnh, những doanh nghiệp thu mua sữa từ nông dân phản pháo: Người chăn nuôi bò sữa đã được học hành bài bản về nghề chăn nuôi bò sữa. Giờ đây, chăn nuôi bò sữa không phải là nghề xoá đói giảm nghèo, mà là nghề để làm giàu.

Đấu nhau trên công luận chưa ngã ngũ, lại xuất hiện tin đồn thất thiệt: Sữa này bẩn, sữa kia sạch, sữa có đỉa… như những con sóng dữ vỗ thẳng vào "mặt" thị trường sữa. Sau cú đánh trực diện, thị trường sữa hồi tỉnh, người tiêu dùng mới biết mình bị lừa, doanh nghiệp thì bị thiệt hại, cơ quan chức năng chưa phát hiện ra kẻ tung tin đồn thất thiệt.

Chứng kiến tình cảnh này, nhiều nhà khoa học gắn bó với ngành sữa phẫn nộ: Thật là ích kỷ. Cơ sở nào để nói sữa trang trại tốt hơn sữa bò do nông dân cung cấp? Tại sao, các cơ quan chức năng vẫn im lặng, không đứng ra phân giải. Sự phẫn nộ này là có cơ sở, bởi nhiều năm qua, sự gắn kết “ba nhà”: Nhà khoa học, người nông dân và doanh nghiệp chúng ta mới có đàn bò khoảng 200.000 con. Và trên thực tế, 80% sữa tươi nguyên liệu ở Việt Nam được thu mua từ hộ nông dân, đời sống của người nuôi bò sữa ngày càng nâng cao… Thành ra nói, sữa bò trang trại sạch hơn sữa bò do người nông dân cung cấp chẳng khác gì phủ sạch công lao của người nông dân, các nhà khoa học!

Theo quy định, các doanh nghiệp sữa đã in thông tin trên bao bì, giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm sữa tươi hoặc sữa bột: Sữa tươi tiệt trùng và sữa tươi thanh trùng cùng có bản chất là sữa tươi. Sữa tiệt trùng tên chính xác là sữa hoàn nguyên tiệt trùng, bản chất là sữa bột pha với nước.

Và qua giám sát, kiểm tra, cơ quan quản lý Nhà nước xử lý nghiêm hành vi gian dối: Dùng sữa bột nguyên liệu nhưng nói là sữa tươi và ngược lại… Thực tế là vậy nhưng những ngày gần đây, các phương tiện truyền thông lại đả kích sự yếu kém của cơ quan quản lý Nhà nước khi để thị trường sữa “vàng thau lẫn lộn”. Rồi lại xuất hiện thông tin về thị trường sữa với nhiều cách hiểu khác nhau như: Ngành sữa Việt Nam đi ngược xu hướng thế giới; sữa tiệt trùng nhưng nói là sữa tươi… khiến người tiêu dùng cũng rối tinh, rối mù bởi các khái niệm: Sữa sạch, sữa tươi, sữa tiệt trùng…

Chưa hết, thông qua các phương tiện truyền thông, núp danh nghĩa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có người cho rằng phải ghi rõ xuất xứ nguyên liệu sữa trên bao bì. Nghe vậy, một vị chuyên gia trong ngành sữa phì cười cho rằng đó là câu chuyện phi thực tế, bởi pháp luật không quy định: Phải ghi rõ xuất xứ nguyên liệu sữa trên bao bì. Vị chuyên gia này phân tích thêm, tùy từng sản phẩm sữa mà có thành phần: Sữa tươi, đường, ca cao, dâu,… Cho nên, nếu phải ghi rõ nguồn gốc sữa ở đâu thì cũng cần thiết phải ghi rõ đường, ca cao, dâu… có nguồn gốc xuất xứ ở đâu trên bao bì sản phẩm. “Bao bì sản phẩm nhỏ, làm sao mà ghi hết thông tin xuất xứ các nguyên liệu của sản phẩm”- Vị chuyên gia kết luận.

Ở một góc nhìn khác, vị chuyên gia này cho rằng đề xuất trên chỉ có lợi cho doanh nghiệp ít vùng nguyên liệu, hại cho doanh nghiệp thu mua nguyên liệu ở nhiều địa phương khi phải in ấn lại hàng triệu bao bì sản phẩm, bổ sung thông tin nguồn gốc nguyên liệu.

Dưới góc độ quản lý Nhà nước, một quan chức của Cục An toàn thực phẩm khẳng định, thị trường sữa thời gian qua được giám sát, kiểm tra chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Về đề xuất in nguồn gốc xuất xứ sữa trên bao bì sản phẩm, vị quan chức này cho hay: “Thông lệ quốc tế không quy định là nguồn sữa này ở đâu, con bò sống ở trên đất nào…”

Theo Radio Việt Nam

Tệp đính kèm