Hầu hết các ca biến chứng sởi đều không được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi hoặc tiêm không đúng thời điểm. Chính vì vậy, nhân viên y tế thôn bản cần tăng cường tuyên truyền để cha mẹ đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch, tránh nguy cơ bệnh sởi quay lại sau nhiều năm vắng bóng.
Nhiều trẻ mắc bệnh
Mỗi ngày, Khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1) có 15 trường hợp mắc bệnh sởi nằm điều trị nội trú, hầu hết bệnh nhi đều biến chứng hô hấp, viêm phổi hoặc chảy mủ tai.
Tương tự, trong những ngày qua, Khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhi mắc bệnh sởi. Mỗi ngày có trung bình gần chục ca nằm viện với các triệu chứng nổi ban đỏ khắp người và sốt mê man.
Tiêm vắc-xin là biện pháp tốt nhất phòng ngừa bệnh sởi.
Chị N. T. N. (Long An) cho biết, chỉ sau 2 ngày bị sốt, con chị bắt đầu nổi ban đỏ khắp người và có triệu chứng khó thở. Thấy con mê man, chị mới đưa đi khám và được bác sĩ chẩn đoán cháu mắc bệnh sởi.
Chị Đ.T.N. ở quận Bình Tân, TP.HCM lúc đầu thấy con biếng ăn, tưởng con bị sốt thông thường nên chị cho cháu uống thuốc hạ sốt. Tuy nhiên đến ngày thứ ba sau khi phát bệnh thì bé mê man. Lúc này chị mới vội vàng đưa con vào bệnh viện.
Mắc sởi do tiêm phòng không đúng lịch
Tiêm vắc-xin là biện pháp tốt nhất phòng ngừa bệnh sởi.
Theo các bác sĩ, đây là hiện tượng hơn 3 năm nay không xảy ra. Lo ngại và đáng báo động là bệnh này còn có thể tăng cao ở mùa sau nếu không có biện pháp dự phòng kịp thời.
Biểu hiện và các biến chứng
Dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi thường là sốt cao, bắt đầu từ khoảng 10 đến 12 ngày sau khi có phơi nhiễm với virut, và kéo dài từ 4-7 ngày. Chảy nước mũi, ho, mắt đỏ và đốm trắng nhỏ bên trong má có thể phát triển trong giai đoạn đầu. Sau vài ngày, ban vỡ ra, thường trên mặt và trên cổ. Trong khoảng 3 ngày, ban lan tỏa, cuối cùng đến tay và bàn chân. Phát ban kéo dài 5 - 6 ngày sau đó mất dần.
Sởi nặng thường xuất hiện ở trẻ em được nuôi dưỡng kém, đặc biệt là những người không có đủ vitamin A, hoặc hệ thống miễn dịch của họ đã bị suy yếu bởi HIV/AIDS hoặc các bệnh khác. Hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi là do biến chứng liên quan với căn bệnh này. Các biến chứng phổ biến hơn ở trẻ em dưới 5 tuổi, hoặc người lớn trên 20 tuổi. Các biến chứng nghiêm trọng nhất gồm mù mắt, viêm não, tiêu chảy nặng và mất nước liên quan, nhiễm khuẩn tai hoặc nhiễm khuẩn nặng đường hô hấp như viêm phổi. Phụ nữ bị nhiễm trong khi mang thai cũng có nguy cơ bị biến chứng nghiêm trọng và mang thai có thể bị suy thai hoặc sinh non.
Trẻ em không được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đúng thời điểm có nguy cơ cao mắc bệnh sởi và các biến chứng của nó, kể cả tử vong. Phụ nữ mang thai không được tiêm phòng cũng là đối tượng có nguy cơ. Tất cả mọi người chưa mắc bệnh hoặc được gây miễn dịch đầy đủ đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh.
Vắc-xin là biện pháp dự phòng tốt nhất
Trên thế giới, bệnh sởi vẫn còn là một trong những nguyên nhân đe dọa đến sức khỏe trẻ em ở những nước kém phát triển. Phòng bệnh bằng vắc-xin được khuyến cáo khi trẻ đủ 9 tháng tuổi. Tuy nhiên, việc tiêm một mũi vắc-xin duy nhất không đủ tạo ra miễn dịch bền vững và rộng rãi trong cộng đồng vì tỷ lệ trẻ tiêm phòng bệnh sót cũng như tỷ lệ đạt được miễn dịch của này cũng chỉ đạt xung quanh 90%. Do vậy cần phải tiêm nhắc lại mũi thứ 2, việc tiêm liều thứ 2 có thể tạo miễn dịch tới 99%. Có thể dùng loại vắc - xin kết hợp sởi - quai bị - Rubella (MMR) để phòng được 3 bệnh một lúc. Tất cả bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch và tại các cơ sở y tế. Trước khi tiêm cán bộ y tế cần khám sơ loại, nếu trẻ đang mắc các bệnh khác thì có thể hoãn lịch tiêm đến khi trẻ khỏe mạnh bình thường.
BS. Minh Ngọc
Theo suckhoedoisong.vn