Chưa lúc nào mà nhiều chủng cúm nguy hiểm lại đe dọa người dân như hiện nay. Ở vùng biên giới phía Bắc, hàng loạt loại cúm A/H7N9, H9N2, H6N1, H10N8, H5N2 rình rập tấn công còn ở phía Nam, cúm A/H5N1 bùng phát với 2 ca tử vong. Bệnh cúm dễ lây lan thành dịch và ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng. Trong thời điểm thời tiết giao mùa như hiện nay, bệnh cúm đang ngày càng gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở trẻ em và người già.
Tại sao cúm dễ lây nơi công sở?
Bệnh cúm nguy hiểm là do tính lây lan nhanh, gây thành dịch và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Thời gian mắc cúm thường phải mất 10 ngày. Ngoại trừ những người có tính chất công việc thoải mái, được làm tại nhà thì đại đa số còn lại không có sự lựa chọn nào khác là vẫn phải đến công sở. Một số người cho biết khi bị cảm cúm chỉ cần nghỉ ngơi ở nhà từ 1 - 3 ngày. Trong khi đó, các chuyên gia khẳng định làm như vậy là sai lầm vì virut cúm có thể lây nhiễm từ trước khi có triệu chứng cúm 1 ngày và đến 7 ngày sau khi bị bệnh.
Virut cúm lây lan từ người sang người thông qua dịch tiết đường hô hấp khi người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi. Virut cúm lây lan với tốc độ rất nhanh, đặc biệt là trong môi trường đông đúc như nhà trẻ, trường học, văn phòng, công sở, phòng điều hòa. Điều nguy hiểm là trẻ nhiễm bệnh có thể lây lan cho các trẻ khác trước khi xuất hiện triệu chứng bệnh. Thời gian lây nhiễm cúm kéo dài từ 2 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng đến 5 ngày sau khi mắc bệnh.
Virut H7N9 có khả năng biến đổi nhanh chóng nên nó rất nguy hiểm.
Virut H7N9 có khả năng biến đổi nhanh chóng nên nó rất nguy hiểm.
Các thuốc điều trị hiện nay
Các thuốc hiện có mới chỉ dừng lại ở mức độ kháng virut theo cơ chế gây trở ngại cho sự gắn của virut vào màng tế bào vật chủ và đi vào trong tế bào vật chủ, ức chế sự sao chép hoặc giải mã các ARN hoặc ảnh hưởng đến chu trình phát triển hoặc nhân lên của virut. Có một số thuốc sau được chỉ định sử dụng:
Amantadine: Thuốc tác dụng ở giai đoạn ức chế sự hòa nhập virut vào bên trong tế bào ký chủ. Thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như bồn chồn lo lắng, chóng mặt, mất ngủ...
Rimantadine cùng có cơ chế tác dụng như amantadine nhưng ưu việt hơn do khả năng xâm nhập vào dịch đường hô hấp hiệu quả hơn amantadine, đồng thời lại ít tác dụng phụ, đặc biệt là tác dụng trên hệ thần kinh trung ương hơn so với amantade. Ngoài ra, những tác dụng bất lợi của rimantadine có thể dễ chấp nhận hơn cho người già.
Cả hai loại thuốc này thường được chỉ định để điều trị cúm A và có hiệu quả làm giảm khoảng 50% thời gian bị bệnh, giảm các triệu chứng bệnh một cách hiệu quả hơn khi dùng các thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường; Tuy nhiên, thuốc không có tác dụng trên virut cúm B và không có tác dụng trên cúm có biến chứng và thực tế điều trị cũng đã xác nhận khả năng kháng thuốc của virut cúm.
Ribavirin: Thuốc có tác dụng ở giai đoạn 2, tức là ngăn cản virut cúm tổng hợp RNA của nó, từ đó ức chế sự sao chép của nó bên trong tế bào.
Oseltamivir (biệt dược là tamiflu): Thuốc có tác dụng ở giai đoạn cuối, tức là ngăn không cho virut cúm sao chép trưởng thành và phóng thích ra khỏi tế bào bằng cách ức chế men neuraminidase (chính là kháng nguyên N của lớp vỏ virut cúm). Oseltamivir có tác dụng kìm hãm được cả virut cúm A và cúm B. Trên lâm sàng, oseltamivir rút ngắn thời gian bị bệnh ở người lớn trên 1 ngày, ở trẻ em là gần 1 ngày và liều lượng kháng sinh phải dùng giảm đi rõ rệt. Tuy nhiên, vì thuốc chỉ hạn chế sự phát triển của virut nên không có tác dụng trên các thương tổn đã xảy ra và chỉ có tác dụng trong vòng 2 ngày đầu sau khi có triệu chứng đầu tiên mà không có tác dụng khi virut đã gây thương tổn. Nếu sử dụng muộn, không những không có tác dụng điều trị mà còn tạo điều kiện thuận lợi để virut kháng thuốc.
Ngoài các thuốc kể trên, một số chế phẩm sinh học như gamma globulin và interferon cũng có tác dụng kháng virut. Gamma globulin ngăn virut xâm nhập vào tế bào vì có chứa kháng thể chống lại kháng nguyên bề mặt nằm trên lớp vỏ của virut. Còn interferon kháng virut bằng cách ngăn cản virut tổng hợp protein, RNA hoặc DNA của nó trong tế bào.
Một khó khăn cho việc tìm kiếm thuốc chữa cúm là trong khi chưa có thuốc đặc trị thì virut cúm lại luôn thay đổi để kháng thuốc. Sự biến đổi này đặc biệt phức tạp ở virut cúm A, nhất là khi có những biến đổi gen, có sự trộn lẫn gen của nhiều chủng mà virut cúm lợn H1N1 hiện nay là một ví dụ. Sự biến đổi khôn lường đó cho ra đời những virut có đặc tính mạnh về khả năng lây lan, gây tổn thương nặng nề hơn và khó điều trị hơn.
Người dân không nên tự ý mua thuốc về dùng để phòng bệnh cúm. Việc dùng thuốc phải theo đúng chỉ định của thầy thuốc.
Để tránh bị lây nhiễm nơi công cộng
Nếu nơi làm việc của bạn là một “bản giao hưởng” của hắt hơi, sổ mũi trong mùa này thì hãy biết cách tự bảo vệ mình. Sau đây là một số biện pháp chủ yếu:
Cẩn thận với nơi công cộng: Điểm nóng của mầm bệnh bao gồm vòi hoa sen, tủ lạnh, lò vi sóng, tay nắm cửa, bàn phím, văn phòng của bạn... Phải rửa tay ngay khi chạm vào những nơi có nhiều người tiếp xúc này.
Rửa tay thường xuyên: Cần phải rửa tay sau khi ăn trưa, sau cuộc họp, sau khi sử dụng thiết bị văn phòng chung, sau khi bắt tay với mọi người...
Khử trùng các vật bạn thường chạm vào: Mỗi tuần một lần hãy lau bàn phím, con chuột, điện thoại...
Uống nước: Uống nước thường xuyên có thể giúp hệ thống miễn dịch làm việc tốt hơn, giúp bạn ngủ sâu và giảm căng thẳng. Vì vậy, luôn đặt một cốc nước trên bàn làm việc, tùy theo sở thích có thể chọn nước khoáng thông thường hoặc trà thảo dược đều tốt cho sức khỏe.
Không chạm vào mặt của bạn: Vẫn biết rằng việc này hơi khó thực hiện, song bạn hãy cố gắng tránh chạm tay vào mặt, dụi mắt, cắn móng tay để tránh vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào cơ thể. Nếu bắt buộc phải chạm vào mặt, bạn nên rửa tay thật sạch sẽ.
ThS. Nguyễn Thu Hiền
Theo suckhoedoisong.vn