Cập nhật: 10/03/2014 12:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ở cái nơi đã từng không còn chút sự sống, những nhà xưởng đã bắt đầu mọc lên báo hiệu cuộc sống đang dần quay lại.

Vùng đất Rikuzen Takata đang "hối hả" hồi sinh

Cái tên Rikuzen Takata đã từng được coi là hình ảnh mô tả chính xác nhất những gì thảm họa động đất sóng thần tại Nhật Bản cách đây 3 năm gây ra cho con người. Nhưng hôm nay, Rikuzen Takata có thể được coi là hình ảnh mẫu cho sự hồi sinh của vùng đông bắc Nhật Bản.

Trở lại “vùng đất chết”

Rikuzen Takata là một thành phố nằm trên bờ Thái Bình Dương ở phía nam của tỉnh Iwate, cách thủ đô Tokyo 500 km về phía đông bắc. Đây đã từng được báo chí miêu tả là “bị quét sạch khỏi bản đồ” khi trận sóng thần lịch sử tấn công thành phố hôm 11/3/2011. Hơn 70% nhà cửa bị sóng thần và động đất tàn phá, 1556 người chết, 217 người mất tích. Đây là một trong những thành phố có tỷ lệ thiệt hại về nhân mạng cao nhất Nhật Bản trong thảm họa động đất sóng thần.

Hai năm trước, tức là tròn 1 năm sau động đất sóng thần, chúng tôi đã từng đến Rikuzen Takata. Khi đó, gần như toàn bộ thành phố là những bãi đất ngổn ngang gạch đá. Lác đác trong thành phố là những tòa nhà kiên cố chưa bị sóng thần cuốn đi nhưng cũng bị tàn phá tan hoang. Toàn bộ khu trung tâm và ven biển thành phố gần như mang đúng nghĩa của một “thành phố chết” khi không còn một ngôi nhà nguyên vẹn và chỉ lác đác vài chiếc xe chạy qua.

Nhưng nay, nơi đây đã biến thành một công trường hối hả. Đâu đâu cũng thấy múc xúc, máy ủi và từng đoàn xe tải chạy rầm rập trên đường. Ở cái nơi đã từng không còn chút sự sống, những nhà xưởng đã bắt đầu mọc lên báo hiệu cuộc sống đang dần quay lại nơi đây.

Nấm vị gió biển

Công ty chuyên trồng nấm có tên Sato là một trong những cơ sở sản xuất đầu tiên quay lại với vùng đất chết. Trong thảm họa năm 2011, trụ sở công ty cùng gần một nửa số nhà kính trồng nấm đã bị sóng thần cuốn trôi. Ông Hirofumi Sato (53 tuổi), Giám đốc công ty nhớ lại tài sản lúc đó chỉ còn duy nhất bộ quần áo mặc trên người cùng chiếc xe ô tô đang đi.

Những cây nấm tươi ngon được trồng trên vùng đất Rikuzen Takata

Sau động đất sóng thần, nhìn quang cảnh đổ nát cùng cuộc sống khó khăn trong các khu nhà tạm của người dân lại càng khiến ông Sato hừng hực quyết tâm xây dựng lại quê hương. Là một doanh nhân ông nhận thấy mình có thể đóng góp cho quê hương bằng cách tạo thật nhiều công ăn việc làm cho người dân. “Chỉ có làm việc, chúng tôi mới mở ra được tương lai mới cho vùng đất này”, ông Sato tâm sự.

Cho dù nhận được nhiều hỗ trợ từ chính phủ, nhưng việc xây dựng lại công ty ở một nơi “không còn gì nguyên vẹn” quả thực không phải là điều dễ dàng. Đến tháng 5/2013, tức là hơn 2 năm sau thảm họa, Công ty nấm Sato mới chính thức xây dựng xong cơ sở hạ tầng của mình. Đến nay, công ty đã có 27 nhà kính trồng nấm, nhiều gấp rưỡi so với trước khi xảy ra thảm họa. Số nhân viên công ty của lên đến gần 50 người, gấp 3 lần trước động đất, sóng thần. Mục tiêu công ty đặt ra là sang năm tới tăng số nhà kính lên 50, còn số nhân viên sẽ tăng gấp đôi lên 100 người.

Mời chúng tôi món nấm mỡ nướng bơ, ông Sato tự hào khoe rằng nấm ở vùng này có hương vị đặc biệt bởi có gió biển. “Nấm của chúng tôi hàng ngày được gửi đến người tiêu dùng là thông điệp cho thấy Rikuzen Takata đang dần hồi sinh”, ông Sata vui vẻ nói.

Ông Sata cho rằng cho dù cũng có ý kiến cho rằng công cuộc tái thiết vùng chịu thảm họa diễn ra chậm chạp nhưng một điều chắc chắn rằng vùng đất này đang thay đổi. “Chỗ chúng ta đang đứng đây vốn ngập trong nước biển và đống gạch đá. Chúng tôi đã đem đất từ trên núi xuống tôn cao lên 2 mét để biến thành một nơi có thể xây dựng nhà xưởng như hôm nay”, ông Sato tự hào nói.

Cây cầu Hy vọng

Giữa vùng đất trống vốn từng là khu phố sầm uất của Rikuzen Takata nổi bật lên một công trình bằng sắt đồ sộ kéo dài từ dãy núi phía tây thành phố. Đó là băng chuyền chở đất từ trên núi xuống để tôn nền cho thành phố và được đặt tên “Cây cầu Hy vọng”.

Tổng kinh phí để xây dựng băng chuyền cao 17 mét, dài 3 km này lên tới 12 tỷ yên (tương đương 120 triệu USD). Đổi lại, thời gian vận chuyển đất từ trên núi xuống sẽ được rút ngắn đáng kể, đẩy nhanh tiến trình tái thiết Rikuzen Takata.

Ông Shintaro Uzawa, kỹ sư phụ trách công trình xây dựng cho biết “Cây cầu Hy vọng” sẽ được chính thức đưa vào vận hành vào ngày 1/4 tới. Mỗi phút, băng chuyền sẽ vận chuyển 80 tấn đất, nhờ vậy việc vận chuyển lượng đất cần dùng cho việc tôn nền thành phố sẽ chỉ mất 2 năm. Trong khi nếu dùng xe tải vận chuyển sẽ mất đến 10 năm.

“Với băng chuyền này, công cuộc tái thiết Rikuzen Takata chắc chắn sẽ được đẩy nhanh hơn rất nhiều. Đó là lý do chúng tôi đặt tên Cây cầu Hy vọng”, ông Uzawa cho biết.

Những tượng đài kỷ niệm

Nằm cách không xa Cây cầu Hy vọng là một biểu tượng hy vọng khác của Rikuzen Takata: “Cây thông Kỳ tích”. Được gọi như vậy bởi đây là cây thông duy nhất còn sống sót trong rừng thông ven biển 70.000 cây.

Đứng vững sau những cơn sóng thần khủng khiếp nhưng cây thông này cũng bị khô héo sau đó một năm do ảnh hưởng của nước biển. Thành phố đã quyết định gia cố, chăm sóc cho cây thông để biến nó thành một tượng đài cho sự hồi sinh của thành phố. Tổng cộng đã có 150 triệu yên (khoảng 1,5 triệu USD) tiền quyên góp từ Nhật Bản và các nước trên thế giới gửi đến Rikuzen Takata để phục hồi Cây thông Kỳ tích.

Khua tay một vòng từ phía Cây thông Kỳ tích sang Cây cầu Hy vọng, ông Uzawa quả quyết “Với sự nỗ lực của chúng tôi cùng sự giúp đỡ của mọi người, nhất định Rikuzen Takata sẽ hồi sinh”.

Một tượng đài kỷ niệm khác của Rikuzen Takata là tòa nhà có tên gọi Tapic 45. Đây vốn là trung tâm thông tin du lịch của thành phố, đồng thời cũng là nơi bán đồ lưu niệm cho khách du lịch. Khi mà những tòa nhà đổ nát do sóng thần đã được dỡ bỏ gần hết, Tapic 45 đã được quyết định giữ nguyên hiện trạng để mọi người có thể tưởng nhớ những người đã mất.

Đứng trên nóc tòa nhà Tapic 45, nơi có vạch đỏ cùng con số 13,7 mét là chiều cao của đợt sóng thần ập xuống tòa nhà, chúng tôi có thể nhìn bao quát ra những công trường xung quanh. Trong sự hối hả của công cuộc tái thiết, Rikuzen Takata dường như vẫn lưu giữ trong mình sự trầm lắng khi nhớ về ngày 11/3/2011./.

Theo Hoàng Liên Sơn/VOV.VN

Tệp đính kèm