Cập nhật: 16/05/2014 16:26:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), 80% bệnh tật hiện nay có liên quan đến việc người dân thiếu nước sạch, thiếu ý thức vệ sinh cá nhân, trong đó có việc người dân không có thói quen rửa tay bằng xà phòng...

Rửa tay với xà phòng để phòng chống bệnh.

Theo ông Nga, việc rửa tay bằng xà phòng tưởng như chỉ là chuyện nhỏ, nhưng trên thực tế, thói quen này đã góp phần phòng tránh nhiều nguồn lây nhiễm bệnh hiệu quả, trong đó có bệnh tay-chân-miệng. Thời gian gần đây, bệnh dịch tay-chân-miệng đang lan rộng đến nhiều địa phương trên cả nước khiến các bậc phụ huynh đặc biệt lo ngại. Điều đáng nói là bệnh này hiện chưa có thuốc đặc trị và còn có khả năng biến chứng, gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc giữ gìn vệ sinh cho trẻ, đặc biệt là rửa tay bằng xà phòng có tác dụng rất to lớn trong việc phòng bệnh. Không chỉ có tác dụng đối với bệnh tay-chân-miệng, rửa tay bằng xà phòng còn giúp phòng nhiều loại bệnh lây nhiễm khác; không chỉ giúp cho trẻ em mà còn cho cả người lớn.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, rửa tay với xà phòng giúp giảm 47% khả năng nhiễm bệnh tiêu chảy, 30% các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp. Ngoài ra, việc làm đơn giản này cũng có thể giúp ngăn chặn được các bệnh nguy hiểm đang lây lan trong cộng đồng như dịch tiêu chảy cấp, dịch cúm gia cầm, dịch tay-chân-miệng... Thế nhưng trên thực tế: “Thói quen rửa tay bằng xà phòng trong cộng đồng chưa cao. Theo điều tra của chúng tôi trong 4 năm, tỷ lệ rửa tay bằng xà phòng trong cộng đồng mới chỉ đạt từ 10 - 15%, hiện nay tăng lên 30% nhưng vẫn thấp so với thế giới. Kết quả trên phản ánh ý thức của cộng đồng trong việc thực hiện hành vi này còn rất hạn chế. Thông thường khi rửa tay, mọi người chỉ sử dụng một lượng nhỏ xà phòng, xát qua lòng bàn tay và rửa nhanh lại với nước. Hầu hết người dân không chú ý đến việc rửa sạch mu bàn tay, cũng như các kẽ tay và kẽ móng tay, nơi tập trung chủ yếu của các mầm bệnh và vi khuẩn gây hại”. Theo nghiên cứu của các chuyên gia của WHO đưa ra và được Bộ Y tế khuyến cáo thực hiện, rửa tay bằng xà phòng thôi không đủ mà phải rửa đúng cách theo 6 bước thì mới đạt được hiệu quả cao trong việc diệt trừ vi khuẩn. “Vì vậy, việc tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng trong cộng đồng nhằm giảm các bệnh và vì một thế hệ Việt Nam khỏe mạnh”- ông Nga nhấn mạnh.

Liên quan đến việc đẩy mạnh ý thức rửa tay bằng xà phòng trong cộng đồng nhằm giảm bệnh tật, trong đó có bệnh tay-chân-miệng, Bộ Y tế đã có Văn bản khẩn số 2390/BYT-MT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở Thông tin và truyền thông cùng các đơn vị liên quan đẩy mạnh chiến dịch truyền thông “Rửa tay với xà phòng để phòng, chống bệnh tay-chân-miệng”. Theo đó, các địa phương cần phát động chiến dịch truyền thông “Rửa tay với xà phòng để phòng, chống bệnh tay-chân-miệng - Hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước và nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2014” ngay trong tháng 5/2014 và duy trì các hoạt động cho đến hết tháng 12/2014. Đồng thời, các địa phương cần đẩy mạnh triển khai chiến dịch tuyên truyền tại gia đình và cộng đồng, đặc biệt tại trường học, nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống bệnh tay-chân-miệng như: thường xuyên rửa tay với xà phòng, thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; treo băng rôn, áp phích... với chủ đề “Rửa tay với xà phòng để phòng, chống bệnh tay-chân-miệng” tại trường học, nơi công cộng để nhắc nhở mọi người cùng hành động...

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Huy Nga cho biết, ngày 17/5/2004, tại TP.HCM, Bộ Y tế sẽ tổ chức Lễ phát động chiến dịch truyền thông “Rửa tay với xà phòng để phòng chống bệnh tay-chân-miệng” nhằm đẩy mạnh việc truyền thông nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc rửa tay với xà phòng để phòng chống dịch bệnh, trong đó có dịch, bệnh tay-chân-miệng.

 

Theo Nguyên Ánh/suckhoedoisong.vn/

 

Tệp đính kèm