Trong thời tiết nắng nóng gay gắt như những ngày vừa qua dễ khiến cơ thể mệt mỏi, mất nước, đặc biệt rất dễ bị say nắng, say nóng. Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp các bạn biết cách phòng chống và cứu chữa khi có người bị say nắng, say nóng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Say nóng:
Nguyên nhân dẫn đến say nóng thường do lao động nặng nhọc trong môi trường nóng, trời quá nắng vào buổi chiều, nóng hầm lò, nơi không khí ẩm thấp, có thể bị say nóng.
Biểu hiện: Chóng mặt, mệt, dễ xúc cảm, buồn nôn và nôn tiêu chảy, lú lẫn, sảng, mờ mắt, co giật, trụy tim mạch và mất ý thức. Da nóng và lúc đầu lấp xấp mồ hôi sau đó khô, mạch mạnh lúc đầu, huyết áp lúc đầu tăng nhẹ nhưng sau đó hạ huyết áp, nhiệt độ thường trên 41oC. Đột quỵ nóng do gắng sức có thể biểu hiện bằng trụy tim mạch đột ngột và mất tri giác, rối loạn hành vi.
Say nắng:
Là tình trạng thường gặp khi phải lao động hoặc đi bộ lâu ngoài nắng nhất là buổi trưa khi trời nắng gay gắt.
Biểu hiện: Say nắng có biểu hiện giống như say nóng nhưng thường diễn biến nhanh, kèm theo các biểu hiện rối loạn thần kinh trung ương (mất phương hướng, ảo giác, lẫn lộn, co giật, hôn mê…)
Cách cứu chữa người bị say nắng, say nóng:
Việc chữa trị nhằm hạ nhanh thân nhiệt và kiểm soát các tác động thứ phát. Đưa bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng khí, cởi bỏ quần áo và phun hoặc lau nước mát khắp người, sử dụng quạt tốc độ lớn. Bệnh nhân nên nằm nghiêng hoặc được đỡ ở tư thế tay chống gối để bề mặt da hứng được càng nhiều gió càng tốt.
Các biện pháp khác gồm: sử dụng khăn ướt lạnh, đắp nách, bẹn, khuỷu, cổ, ngâm cả bàn tay và cẳng tay và nước mát, cho uống nước đường nhạt pha thêm ít muối. Nếu sau 1 giờ, thân nhiệt xuống tới 39oC là đạt hiệu quả, sau đó tiếp tục theo dõi trong vòng 24 giờ tại cơ sở y tế để được khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc.
Cách phòng say nóng, say nắng:
Vào mùa nắng, thời tiết nóng cần uồng nhiều nước, ăn các loại thức ăn mát, các loại rau củ quả chứa nhiều kali như rau má, cà chua, rau đay, mồng tơi..., mặc quần áo rộng, thoáng mát, thoát mồ hôi.
Không nên ở lâu, làm việc quá sức trong môi trường quá nóng, nắng, khi phải đi bộ ngoài nắng phải đội nón, mũ.Trẻ em, người lớn tuổi, bệnh lâu ngày hoặc người uống rượu bia không phơi nắng, nóng lâu.Ngoài ra, việc rèn luyện, nâng cao sức khỏe thường xuyên cũng giúp cơ thể có sức chống chọi với sự thay đổi của thời tiết, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa.
Theo TS. Nguyễn Văn Bình/suckhoedoisong.vn