Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 đến nay có 154 quốc gia và EU tham gia ký kết
1.Đường cơ sở: Là đường ranh giới phía trong của lãnh hải và phía ngoài của nội thủy, do quốc gia ven biển hay quốc gia quần đảo định ra phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 để làm cơ sở xác định phạm vi của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia gồm (lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa).
2.Lãnh hải hay hải phận là vùng biển ven bờ nằm giữa vùng nước nội thủy và các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia. Lãnh hải có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Chủ quyền của quốc gia đối với vùng lãnh hải không phải là tuyệt đối như đối với các vùng nước nội thủy, do có sự thừa nhận quyền qua lại vô hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải.
Các khái niệm về vùng biển
Cũng lưu ý rằng chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng hoàn toàn và riêng biệt đối với vùng trời trên lãnh hải cũng như đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của vùng lãnh hải này. Trong vùng trời phía trên lãnh hải, các quốc gia khác không có quyền tự do qua lại vô hại đối với các phương tiện bay (máy bay chẳng hạn). Đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, quốc gia ven biển cũng có toàn quyền định đoạt.
3.Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) là vùng biển mở rộng từ các quốc gia ven biển. Đây là vùng biển rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Quốc gia ven biển có quyền về chủ quyền, quyền tài phán và quyền kinh tế ở vùng biển này.
Quyền chủ quyền về kinh tế bao gồm các quyền đối với khai thác tài nguyên sinh vật, tài nguyên không sinh vật của cột nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Hoạt động khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế đem lại lợi ích cho quốc gia ven biển như khai thác năng lượng nước, hải lưu, gió... Mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế phải có sự xin phép và đồng ý của quốc gia ven biển.
Quyền tài phán trên vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển bao gồm quyền lắp đặt, sửa chữa các đảo nhân tạo, công trình, thiết bị trên biển; quyền nghiên cứu khoa học biển; quyền bảo vệ môi trường. Các nước khác có quyền tự do bay, tự do hàng hải và đặt dây cáp, ống dẫn ngầm tại vùng đặc quyền kinh tế.
4.Thềm lục địa: Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 đã đưa ra định nghĩa mới có tính công bằng cao hơn so với quy định trong Công ước về thềm lục địa năm 1958, trong đó thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền thuộc quốc gia đó cho đến bờ ngoài của dốc lục địa hoặc cách đường cơ sở dùng để tính lãnh hải một khoảng cách là 200 hải lý (370,4 km), khi bờ ngoài của dốc lục địa của quốc gia này ở khoảng cách gần hơn 200 hải lý.
Trong trường hợp bờ ngoài của dốc lục địa kéo dài tự nhiên lớn hơn 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì quốc gia đó có thể xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa cho mình như sau: 1/Hoặc theo bề dày trầm tích: Đường nối các điểm cố định tận cùng bất kỳ mà lớp trầm tích có độ dày bằng hoặc lớn hơn 1% khoảng cách từ điểm đó tới chân dốc lục địa; 2/Hoặc theo khoảng cách: Đường nối các điểm cố định ở cách chân dốc lục địa nhiều nhất là 60 hải lý (111,1 km); 3/Trong cả hai cách tính trên thì chiều rộng tổng cộng của thềm lục địa tính từ đường cơ sở cũng không được vượt quá 350 hải lý (648,2 km) hoặc cách đường đẳng sâu 2.500 mét một khoảng cách không vượt quá 100 hải lý (185,2 km), với điều kiện tuân thủ các quy định cụ thể về việc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa có trong Công ước Luật biển 1982 và phù hợp với các kiến nghị của Ủy ban ranh giới thềm lục địa được thành lập trên cơ sở Phụ lục II của Công ước này.
Ngoài ra, để hạn chế việc mở rộng quá 200 hải lý này, người ta cũng thêm 2 điều kiện nữa là: 1/Phải xác định rõ tọa độ, thông báo các thông tin tính toán cho Ủy ban ranh giới thềm lục địa với hạn cuối cùng là năm 2009; 2/Nghĩa vụ đóng góp bằng tiền hay hiện vật đối với việc khai thác các tài nguyên phi sinh vật của phần nằm ngoài phần thềm lục địa cơ bản (200 hải lý đầu)./.
Theo VOV.VN
http://vov.vn/Chinh-tri/Bien-dao/Mot-so-khai-niem-co-ban-trong-Cong-uoc-cua-LHQ-ve-Luat-Bien-1982/326659.vov