Mùa hè nắng nóng, một số bệnh thường gặp ở trẻ em như sốt virut, viêm đường hô hấp trên, viêm não Nhật Bản B, tiêu chảy cấp, bệnh tay chân miệng, ngộ độc thực phẩm. Gần đây một số bệnh diễn ra phức tạp như: sởi, thủy đậu với các biến chứng nặng. Vì vậy việc giữ gìn sức khỏe và phát hiện bệnh sớm khi trẻ mắc rất quan trọng.
Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: HQ
Các bệnh thường gặp và những biểu hiện
Đối với sốt do virut, trẻ thường sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, có thể có triệu chứng viêm đường hô hấp trên như: hắt hơi, sổ mũi, ho. Bệnh thường diễn biến lành tính từ 3 đến 7 ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý vì một số trường hợp có biến chứng, nên theo dõi để phát hiện các triệu chứng của viêm não, viêm cơ tim cấp do virut như: đau đầu, nôn nhiều, rối loạn ý thức, co giật, để đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.
Phát hiện bệnh ở trẻ trong mùa hè
Bệnh viêm não Nhật Bản B, biểu hiện thường gặp là: sốt cao, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức, co giật rồi đi vào hôn mê nhanh chóng. Khi trẻ có những biểu hiện trên, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị nhằm hạn chế tỷ lệ tử vong và di chứng sau này.
Một bệnh thường gặp và gia tăng nhanh trong thời gian gần đây là tiêu chảy cấp với biểu hiện trẻ đi tiêu phân tóe nước ≥ 3 lần/ngày, đau bụng, buồn nôn hay nôn. Thời tiết nóng nực, thực phẩm dễ bị ôi thiu, cần chú ý chế biến, bảo quản kỹ. Những triệu chứng phổ biến của ngộ độc thực phẩm thường là đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy và có kèm theo sốt. Khi phát hiện cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Các biện pháp giữ gìn sức khoẻ
Cha mẹ cần giúp trẻ tăng sức đề kháng bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, ăn uống đủ chất, vệ sinh sạch sẽ, không uống nhiều nước đá, thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng ngừa các rối loạn tiêu hóa, phòng các bệnh truyền nhiễm đường ruột, trong đó, một tỷ lệ đáng kể viêm não mà thủ phạm là virut đường ruột. Dù trời nóng nhưng không để quạt máy thẳng vào người, nhất là đối với trẻ nhỏ vì dễ bị cảm lạnh; không cho trẻ ở trong phòng điều hoà nhiệt độ chênh lệch quá lớn so với nhiệt độ môi trường bên ngoài. Ngoài ra, khi trời nắng nóng, các bậc phụ huynh cần hạn chế cho trẻ ra ngoài, khi ra đường cần đeo khẩu trang, mặc quần áo chống nắng.
Chăm sóc trẻ tại nhà như thế nào?
Sử dụng nhiệt kế tại nhà để xem trẻ có sốt hay không. Nếu thân nhiệt trên 37,5oC, cha mẹ cho trẻ uống nhiều nước, cởi hết quần áo, lau mát hạ sốt bằng nước ấm, chủ yếu lau vùng trán, nách, bụng và háng; khi thân nhiệt lớn hơn 38,5oC cần đưa trẻ đi khám bệnh; uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ bởi trẻ dưới 5 tuổi dễ bị co giật khi sốt cao. Khi trẻ bị co giật: Đặt trẻ nằm nghiêng một bên; đặt 1 vật đệm (thìa, cây đè lưỡi) vào giữa 2 hàm răng để trẻ khỏi cắn lưỡi. Nếu trẻ sốt thì cho hạ sốt và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Không nên vắt chanh, sả hoặc cho bất cứ thứ gì vào miệng trẻ; không đè trẻ hoặc cố gắng kiềm chế cơn co giật; cạo gió, cắt lể, giác hút.
Khi trẻ bị viêm đường hô hấp, bệnh dễ lan xuống phổi nên gia đình cần vệ sinh mũi họng cho bé bằng nước muối sinh lý, cho trẻ ăn uống bình thường và uống nhiều nước. Đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi thấy trẻ: Sốt cao khó hạ, thở nhanh, co rút lồng ngực, bú kém hoặc bỏ bú, tím tái. Nếu trẻ bị tiêu chảy, cần cho trẻ uống thêm dung dịch bù nước (oresol) sau mỗi lần đi tiêu lỏng hay sau khi nôn. Ngoài oresol, trẻ trên 6 tháng tuổi còn có thể uống nước súp, nước cơm, nước cháo, nước dừa, nước hoa quả tươi không đường, nước chín để nguội. Nếu trẻ còn bú cần cho bú nhiều và lâu hơn; trẻ lớn hơn thì cần tiếp tục tăng dần khẩu phần ăn hàng ngày. Khẩu phần ăn của những trẻ hay bị nôn nên được chia ra nhiều bữa nhỏ. Sau khi hết tiêu chảy nên cho trẻ ăn nhiều hơn để mau chóng hồi phục sức khỏe.
Đưa ngay đến bệnh viện nếu thấy trẻ bỏ bú, khát nước, uống nước háo hức hoặc không uống được, nôn nhiều, mắt trũng, tiểu ít, có máu trong phân, sốt cao dọa co giật.
Theo BS. Thúy Hồng/suckhoedoisong.vn