Cập nhật: 26/06/2014 15:20:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đây là một món quà âm nhạc đặc biệt, dành tặng các chiến sỹ nơi biên giới hải đảo đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Mỗi năm có không biết bao nhiêu chuyến tàu chở những người con của đất liền đến với quần đảo Trường Sa. Trong mỗi hành trình đó, ai cũng đều mang cảm xúc và hầu như những vần thơ, những bài viết, những tác phẩm âm nhạc về Trường Sa đều được ra đời từ đây.

Bài thơ “Anh là đại dương” do PGS.TS Phạm Xuân Hằng - nguyên hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV sáng tác để tri ân những chiến sỹ đã hy sinh tại nhà Giàn DK1 đã được nhạc sỹ Trọng Đài - Giám đốc Hệ Âm nhạc - Thông tin - Giải trí (VOV3), Đài Tiếng Nói Việt Nam phổ nhạc thành ca khúc cùng tên.

 

Nhạc sỹ Trọng Đài (trái) là người đã phổ nhạc cho bài thơ "Anh là đại dương", còn NSƯT Mai Hoa là người thể hiện thành công ca khúc

Nhạc sỹ Trọng Đài cho biết: “Khi đọc bài thơ, tôi đã rất xúc động. Tôi nghĩ không chỉ với cá nhân tôi mà với tất cả những người con đất Việt, đây cũng là tiếng nói chung cần chia sẻ . Tôi đã phổ nhạc 100% lời thơ vì tôi thấy ý thơ rất chặt chẽ. Tôi ấn tượng nhất với 2 khổ thơ cuối, đó chính là cao trào của bài hát, là khát vọng của dân tộc trong việc giữ vững biển trời quê hương”.

Phóng viên VOV cũng đã có dịp gặp gỡ tác giả bài thơ để tìm hiểu về sự ra đời của tác phẩm.

PV: Thưa PGS.TS Phạm Xuân Hằng, ông có thể chia sẻ về hoàn cảnh sáng tác bài thơ “Anh là đại dương”?

PGS.TS Phạm Xuân Hằng:  Đó là vào năm 2007, tôi cùng đoàn công tác của Hà Nội ra thăm quần đảo Trường Sa. Đầu tháng 4, cuộc hành trình bắt đầu từ bến cảng Ba Son và sau 10 ngày, chúng tôi lại trở về bến cảng đó. Cha ông ta bao đời nay đã ra đại dương để phát hiện, giữ gìn và khẳng định chủ quyền của mình, trong đó có nhiều người đã hy sinh. Lịch sử còn ghi lại sự kiên cường của các chiến sỹ đã anh dũng bảo vệ biển trời quê hương, đặc biệt sau khi giải phóng đất nước năm 1988, họ đã tay không cầm cờ, tay đan trong tay để giữ vững chủ quyền trên đảo Gạc Ma trước sự tấn công, xả súng của quân Trung Quốc.

 

PGS.TS Phạm Xuân Hằng, tác giả bài thơ "Anh là đại dương"

Vì thế, trong chuyến công tác, đoàn cán bộ của Hà Nội cùng một số tỉnh đã phối hợp với các đồng chí chỉ huy trên tàu, tổ chức thả vòng hoa xuống biển, tưởng niệm những người con của Tổ quốc đã hy sinh để bảo vệ biển đảo và mãi mãi nằm lại ở đại dương. Điều đó làm cho cả đoàn chúng tôi xúc động, nhiều người rơi nước mắt. Sau sự kiện đó, tôi đã lặng lẽ lên khoang tàu trên cao dùng máy điện thoại để viết bài thơ này. Những người lính đó đã hy sinh nhưng tinh thần, ý chí quật cường của các anh còn sống mãi, như đại thi hào Nguyễn Du từng nói: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”.

Nghe ca khúc do NSƯT Mai Hoa thể hiện:

[video]/upload/2014/AUDIO/26.6Anh la dai duong.mp3[/video]

Tôi đã triển khai ý thơ theo mạch “từ xa xưa cha ông ta đã theo vệt sao trời ra giữ đảo thì hôm nay bao nhiêu chiến sỹ của chúng ta quật cường bảo vệ đảo”. Bài thơ có tên “Anh là đại dương”, tức là mênh mông là vĩnh cửu, trong đó mở đầu bằng ý thơ:

“Xưa cha ông giong buồm ra giữ đảo.

Định hướng thuyền đi bằng vệt sao trời

Nay hiên ngang giữa vùng giông bão

Anh chọn quê hương là chốn biển khơi”

Và sự hy sinh của các anh giữa đại dương là trường tồn mãi mãi:

“ Giữa Đại Dương anh trở thành bất tử.

Giữa Nhân Dân anh mãi mãi trường sinh…”

“Máu anh đổ, đảo ngàn năm vững chãi.

Nước biển quê mình giờ mặn gấp đôi…”

Kết thúc bài thơ, tôi quay về với ý ban đầu:

“Bao đồng đội chí quật cường sóng cuộn.

Giữ vệt sao trời cho Tổ quốc bình yên”.

Bài thơ ngắn gọn, được tôi sáng tác trong một buổi tối, nhằm tri ân những người chiến sĩ đã hy sinh vì biển đảo Tổ quốc và khẳng định sự kiên cường của các chiến sĩ Hải quân bao đời nay đã ngày đêm bảo vệ, giữ vững biển đảo quê hương.

PV: Ông có thể chia sẻ rõ hơn hình tượng nghệ thuật được xây dựng trong bài thơ này?

PGS.TS Phạm Xuân Hằng: Hình tượng nghệ thuật được xây dựng xuyên suốt bài thơ là hình tượng người chiến sỹ Hải quân Việt Nam trong quá khứ và hiện tại. Đó là sự kết nối liên tục không đứt đoạn, từ cha ông ta ngày xưa dùng thuyền vượt đại dương để phát hiện ra bờ cõi và ngày nay, các thế hệ con cháu chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn. Đây không chỉ là truyền thống yêu nước mà còn là nét đẹp trong văn hoá ngàn đời của dân tộc ta.

 

Tác giả Phạm Xuân Hằng trong chuyến đi Trường Sa

PV: Ông cảm thấy như nào khi bài thơ trở thành một tác phẩm được vang lên bằng giai điệu bằng âm nhạc?

PGS.TS Phạm Xuân Hằng:  Bài thơ tôi viết trước hết là để ghi lại lòng mình, sau đó để chia sẻ với bạn bè nên tôi rất vui khi bài thơ đã được nhạc sỹ Trọng Đài phổ nhạc. Khi đọc bài thơ, nhạc sỹ đã có sự đồng điệu với tôi và thổi hồn vào ca khúc. Giá trị của bài thơ một lần nữa được nhân lên, được đông đảo công chúng biết đến. Nhạc sỹ Trọng Đài đã làm cho “khúc tình” của tôi được nối dài và thêm tầm nghệ thuật.

PV: Xin cảm ơn PGS.TS Phạm Xuân Hằng./.

Hương Loan/VOV3/VOV.VN

Tệp đính kèm