Có 8 nhóm tài liệu với tổng số 190 đơn vị tài liệu về Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông được trưng bày từ nay đến 8/9, tại 26 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Sáng 8/8, Thư viện Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) khai trương phòng trưng bày bộ sưu tập về Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông nhằm cung cấp thêm các chứng cứ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này trên Biển Đông.
Có 8 nhóm tài liệu với tổng số 190 đơn vị tài liệu được trưng bày là: bản đồ, ảnh, sách tiếng Việt, 37 số tạp chí "Thức tỉnh kinh tế Đông Dương", 35 cuốn sách bằng tiếng Pháp xuất bản trước năm 1954 và nhiều tư liệu khác bằng tiếng Pháp và Trung Quốc.
Một số phiên bản báo "Thức tỉnh Kinh tế Đông Dương"
Ông Hồ Sĩ Quý - Viện Thông tin Khoa học Xã hội cho biết: trong số những tài liệu được trưng bày có tác phẩm “Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam về lịch sử và địa lý – ảnh” của tác giả Võ Long Tê được in bằng 3 thứ tiếng Việt, Pháp, Trung xuất bản năm 1974. Đây là cuốn sách giới thiệu các tư liệu, chứng cứ về chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo này, được lấy từ bộ sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Lịch triều Hiến chương loại chí của Phan Huy Chú và nhiều chứng cứ của người Pháp.
Một số tư liệu cổ Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa
Điều đáng nói là những tài liệu cổ (xuất bản từ năm 1178 đến năm 1951) của các sử gia Trung Quốc được trưng bày tại đây đều không đề cập đến vấn đề chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) là lãnh thổ của họ. Đặc biệt, sách giáo khoa lịch sử Trung Quốc xuất bản năm 1950, tái bản năm 1951 tại Bắc Kinh đã xác nhận cực nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam, trên bản đồ Trung Quốc ở cuốn sách này cũng không có địa danh Trường Sa, Hoàng Sa.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tá Nhí - Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết: thông qua các tư liệu cổ của Trung Quốc, tên gọi “Nam Sa” được họ sử dụng đặt cho nhiều địa danh khác nhau.
“Bản đồ Đại Thanh nhất thống chí, được in vào thời nhà Thanh, thì tên địa danh “Nam Sa” có ít nhất ở 3 nơi. Một là ở vùng biển Bắc Hải. Nam Sa là bãi cát ở phía Nam, lấy điểm chuẩn là vùng Thiên Tân. Thứ hai là Nam Sa ở Quảng Đông cũng với ý nghĩa đó. Thứ ba là Nam Sa ở phía nam đảo Hải Nam. Tương tự, chúng ta có thể tìm lại “Vạn lý Trường Sa” cũng có ở rất nhiều vùng đất khác nhau của Trung Quốc”./., PGS.TS Nguyễn Tá Nhí cho biết thêm
Phòng trưng bày bộ sưu tập về Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông mở cửa trong 1 tháng, từ nay đến hết ngày 8/9 tại 26 Lý Thường Kiệt, Hà Nội./.
Theo Phương Thúy/VOV- Trung tâm Tin/VOV.VN