Vu Lan báo hiếu - một ngày lễ truyền thống của Phật giáo nay đã trở thành ngày lễ lớn để cho những người con nước Việt hướng về cha mẹ, các đấng sinh thành của mình.
Cài hoa và tặng quà cho trẻ em lang thang, cơ nhỡ mùa Vu Lan. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)
Hòa cùng đạo lý đó, ngày 10/8 (tức 15/7 năm Giáp Ngọ), hàng nghìn Phật tử cũng như người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đổ về các ngôi chùa, tịnh xá trên địa bàn thành phố để dâng những nén hương với tấm lòng thành đến Đức Phật, tổ tiên cầu phúc, sức khỏe cho cha mẹ, người thân.
Trong mùa Vu Lan báo hiếu, tại nhiều ngôi chùa nổi tiếng của Thành phố Hồ Chí Minh như Phổ Quang (Tân Bình), Việt Nam Quốc tự, Ấn Quang (quận 10), Hoằng Pháp (Hóc Môn), Vĩnh Nghiêm (quận 3), Huê Nghiêm (quận 2), Vạn Đức (quận Thủ Đức)... đã diễn ra nhiều hoạt động hướng về lễ Vu Lan, tổ chức nghi thức bông hồng cài áo, khóa lễ tụng kinh Vu Lan, tạo điều kiện cho các Phật tử, người dân thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với các đấng sinh thành dưỡng dục mình.
Chia sẻ về ý nghĩa ngày lễ Vu Lan, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự Thành hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết mùa Vu Lan gợi nhắc người Phật tử nhớ đến người thân của mình đã qua đời là anh em, cha mẹ hiền tiền cho đến cửu huyền thất tổ. Phật tử thường tụng kinh, cúng dường, bố thí để hồi hướng cho chư vị hương linh được siêu sanh Tịnh độ.
Ngoài ra, còn có truyền thống báo hiếu tốt đẹp, quen thuộc với Phật tử, được thể hiện các hình thức đền đáp công ơn là ơn tiên tổ, ơn tam bảo, ơn đồng bào, ơn đất nước.
Theo Hòa thượng Thích Trí Quảng, đạo đức hiếu hạnh dưới hai hình thức hồi hướng nói trên phù hợp với nếp sống truyền thống của dân tộc Việt Nam "Uống nước nhớ nguồn," phù hợp với giáo lý đạo Phật.
Ngay từ sáng sớm 10/8, khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm ở quận 3 đã tập trung rất đông các Phật tử và người dân tề tựu về đây để tham gia các hoạt động của ngày lễ Vu Lan, dâng hương lên đức Phật cầu phúc cho cha mẹ.
Trên bục cầu thang đi lên khu chánh điện, hàng chục em nhỏ là con em các Phật tử của chùa cầm trên tay những giỏ đựng 3 loại hoa hồng (màu đỏ, màu trắng và màu hồng) để cài lên áo cho các khách hành hương đến chùa.
Vừa được các em cài lên áo bông hoa hồng màu đỏ, vợ chồng anh Vũ Ngọc Thành (quận Bình Thạnh), chia sẻ: "Cả hai bên nội ngoại đều còn ông bà cả, đây là điều may mắn với vợ chồng tôi. Hôm nay, hai vợ chồng lên chùa để dâng hoa, dâng hương thể hiện lòng thành trước tiên là với đức Phật, sau đó với tổ tiên để cầu mong sự bình an, sức khỏe cho cha mẹ của mình, sống lâu trăm tuổi."
Ở khu tháp cốt nằm ở khuất phía sau chùa Vĩnh Nghiêm, bác Nguyễn Thanh Quang, nhà ở Phú Nhuận đang cẩn thận sắp lại mâm cơm cúng và đồ lễ để chuẩn bị cúng dường cho bố mẹ của mình đang gửi cốt tại đây. Bác Quang cho biết: "Gần 10 năm qua, cứ đến lễ Vu Lan, cả nhà tôi lại chuẩn bị lễ lên chùa để cúng dường cho bố mẹ cũng như tổ tiên, tưởng nhớ đến bậc cha mẹ đã sinh ra mình. Đây cũng là cách để nhắc nhở cho con cháu trong gia đình nhớ đến tổ tiên, nguồn cội."
Tại chùa An Phú ở quận 8 được nhiều người biết qua cái tên chùa Miểng Sành (toàn bộ chùa được dán bằng mảnh sành, mảnh sứ với nhiều mẫu họa tiết độc đáo), hàng trăm Phật tử đã đến tham gia các nghi thức trang nghiêm như khóa lễ kinh Vu Lan - báo hiếu, bông hồng cài áo, cúng Phật - cúng linh.
Đến mùa Vu Lan báo hiếu, dường như hình ảnh thân thương của cha mẹ, ông bà ngày nào như sống dậy mãnh liệt trong tâm trí những người con hiếu thảo.
Hòa thượng Thích Trí Quảng nhắn nhủ: "Người có phước duyên còn được cha mẹ bên cạnh, hãy giữ gìn, chăm sóc tâm hiếu, hạnh hiếu cho đúng pháp Phật dạy để tạo dựng một gia đình phước lạc, đầm ấm. Những người không còn được chở che trong tình thương vô giá của cha mẹ, hãy nỗ lực tu hành, tạo thật nhiều công đức, phước thiện để hồi hướng đến cha mẹ, mới mong cứu vớt họ khỏi chốn tam đồ, hoặc gieo trồng thêm căn lành, phước thiện cho họ ở chốn nhân thiên."
Cùng với việc hướng đến các bậc sinh thành, mỗi mùa Vu Lan về, nhiều chùa, tịnh xá trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, giúp đỡ những đối tượng khó khăn, neo đơn. Trong ngày này, chùa Hoằng Pháp, huyện Hóc Môn đã chuẩn bị và cấp phát hơn 30.000 suất cơm miễn phí; chùa Nam Thiên Nhất trụ, quận Thủ Đức tổ chức cấp phát hơn 700 phần quà cho người nghèo, neo đơn...
Cũng nhân mùa Vu Lan báo hiếu, hôm nay Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh) đã tổ chức đại lễ hội Vu Lan Báo hiếu với nhiều hoạt động tâm linh, lễ hội phong phú, độc đáo.
Hơn 1.000 vị tăng ni thực hiện nghi thức Trì bình khất thực trên cung đường lễ hội, thọ trai trong khu du lịch; quý phật tử và khách tham qua cũng có thể tham gia viết lời cầu nguyện cho cha mẹ tại khu vực "Cây ước nguyện"... /.
HOÀNG ANH TUẤN (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/le-vu-lan-nhung-nguoi-con-viet-huong-ve-dang-sinh-thanh/275461.vnp