Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 116/2014/TT-BTC hướng dẫn một số vấn đề về tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Ảnh minh họa
Theo đó, đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp bảo hiểm được chấp thuận triển khai bảo hiểm, đại lý bảo hiểm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân, có liên quan đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.
Thông tư nêu rõ, doanh nghiệp bảo hiểm được phép sử dụng tối đa 30% doanh thu phí bảo hiểm để chi bán hàng, chi quản lý, chi hoa hồng đại lý bảo hiểm, chi thù lao. Trong đó, đối với hoa hồng đại lý bảo hiểm và thù lao, doanh nghiệp bảo hiểm được phép chi không quá 5% phí bảo hiểm thu được.
Đối với chi thù lao, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xây dựng phương án chi trả thù lao cho những người trực tiếp tham gia triển khai bảo hiểm, không được chi thù lao cho cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm.
Khi ký kết hợp đồng bảo hiểm với tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác, sử dụng tàu (chủ tàu), các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm cùng đứng tên trong hợp đồng bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm phải ghi rõ tên doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu, doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm, tỷ lệ tham gia đồng bảo hiểm, trách nhiệm của từng doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu và doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm phải cùng chịu trách nhiệm trước pháp luật về những cam kết trong hợp đồng bảo hiểm đối với chủ tàu.
Chi phí quản lý hợp đồng của doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu là 2,5% doanh thu phí bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu có trách nhiệm thay mặt các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm thu phí bảo hiểm. Các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm có trách nhiệm ủy quyền cho doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu thu hộ phí bảo hiểm.
Trong trường hợp tái bảo hiểm, chi phí quản lý của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm không quá 3% doanh thu phí nhận tái bảo hiểm.
Theo Lan Phương/Chinhphu.vn