Nhà nước sẽ không đầu tư cho việc biên soạn SGK một cách đồng loạt, bình quân mà sẽ tập trung đầu tư cho những địa phương, cơ sở giáo dục khó khăn.
Hiện nay, Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông đang được Thường trực Ủy ban Văn Hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đóng góp ý kiến, xem xét trước trước khi trình lên Chính phủ và Quốc hội. Một trong những điểm khiến dư luận quan tâm là Dự thảo Đề án đề cập đến việc sẽ xã hội hóa công tác biên soạn, xuất bản SGK. Như vậy là trong tương lai, giáo viên và học sinh sẽ giảng dạy, học tập theo nhiều loại SGK khác nhau.
Để làm rõ hơn về chủ trương xã hội hóa SGK và những vấn đề liên quan đến công tác thực hiện đổi mới chương trình, SGK, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn Hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí.
Trong tương lai, học sinh sẽ được học nhiều bộ sách giáo khoa (ảnh minh họa)
Có nhiều bộ SGK là để phát huy trí tuệ của xã hội
PV: Trong Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông có nhắc đến việc chủ trương xã hội hóa SGK. Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân biên soạn, xuất bản SGK. Ông có thể giải thích rõ về chủ trương mới này?
GS.TSKH Đào Trọng Thi: Chủ trương xã hội hóa SGK không chỉ có mục đích huy động các nguồn lực xã hội cùng với các cơ quan của Nhà nước biên soạn SGK mà còn phát huy trí tuệ của cả xã hội cùng tham gia vào công việc này. Chủ trương này cũng sẽ góp phần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh về chất lượng SGK giữa các nhà xuất bản và các tổ chức, cá nhân.
Để thực hiện được chủ trương trên, toàn xã hội phải có sự kết hợp với các cơ quan Nhà nước trong việc quản lý, giám sát các tổ chức, cá nhân trong việc biên soạn, xuất bản SGK.
PV: Đề án cũng đưa ra 2 phương án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Theo ông, phương án nào là khả thi và hiệu quả nhất?
GS.TSKH Đào Trọng Thi: Tôi nghiêng về phương án Bộ GD-ĐT chủ động đứng ra biên soạn, xuất bản 1 bộ SGK. Việc có nhiều bộ SGK là cần thiết nhưng chúng ta không thể chạy theo việc kinh doanh SGK, đòi hỏi quyền bình đẳng của các tổ chức, cá nhân biên soạn sách. Điều quan trọng là chúng ta phải hướng tới biên soạn SGK đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn và vì quyền lợi của học sinh. Vì vậy, ngoài xã hội hóa SGK thì nhất thiết phải có 1 bộ SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn.
GS.TSKH Đào Trọng Thi
Sẽ không đầu tư biên soạn SGK một cách đồng loạt, bình quân
PV: Ông có thể cho biết số kinh phí để thực hiện Đề án sẽ như thế nào?
GS.TSKH Đào Trọng Thi: Hiện nay, trong Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT trình lên Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chưa ghi rõ số tiền thực hiện Đề án.
Theo tôi được biết thì sẽ không có nguồn tiền tập trung mà kinh phí sẽ được phân bổ theo quy định của ngân sách dành cho các địa phương. Tuy nhiên, ngân sách trực tiếp dùng cho xây dựng chương trình, viết, xuất bản SGK, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, hỗ trợ cho các địa phương, cơ sở giáo dục khó khăn sẽ được quy định rõ.
Nhà nước sẽ không đầu tư cho việc biên soạn SGK một cách đồng loạt, bình quân mà sẽ tập trung đầu tư cho những địa phương, cơ sở giáo dục khó khăn để họ đạt được những mục tiêu tối thiểu về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên khi thực hiện đổi mới chương trình, SGK.
Ngoài ra, Chính phủ luôn khuyến khích các địa phương, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí vào biên soạn SGK.
Lo ngại nhất là trình độ của giáo viên!
PV: Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông là đề án lớn, tác động trực tiếp tới hàng triệu giáo viên và học sinh. Vậy điều mà ông lo ngại nhất khi thực hiện Đề án này là gì?
GS.TSKH Đào Trọng Thi: Điều tôi lo ngại nhất là những điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để thực hiện Đề án. Nếu thực hiện đổi mới SGK thì chương trình giảng dạy cũng phải thay đổi theo nên điều quan trọng nhất là phải có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn để đáp ứng được nhu cầu giảng dạy theo yêu tinh thần đổi mới. Không chỉ có các trường Sư phạm phải đổi mới và đi trước một bước trong đào tạo giáo viên mà vấn đề khó khăn nhất đối với các địa phương hiện nay là phải thực hiện bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo lại hàng trăm giáo viên đã làm việc lâu năm.
PV: Xin ông cho biết việc xem xét Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đang được thực hiện đến đâu?
GS.TSKH Đào Trọng Thi: Hiện nay, Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đã được Bộ GD-ĐT chuẩn bị từ lâu và đang tiếp tục lấy ý kiến của Thường trực Ủy ban Văn Hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Đề án chưa được công bố vì Chính phủ chưa thông qua. Vì vậy, khi nào Chính phủ thông qua thì mới có thể trình lên Quốc hội xem xét, phê duyệt.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Dự thảo 2 phương án triển khai Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông
Phương án 1: Bộ GD-ĐT chủ động tổ chức biên soạn đầy đủ một bộ SGK; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ SGK hoặc các cuốn SGK khác, nhất là SGK cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Phương án 2: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức biên soạn những SGK mà các tổ chức, cá nhân không đăng ký biên soạn
Bích Lan/VOV.VN (ghi)