Cập nhật: 31/08/2014 11:11:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Anh Nguyễn Văn Sinh đã chế tạo thành công mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa bằng đất sét nung.

Chưa một lần được đặt chân đến quần đảo Trường Sa cũng như chưa một lần được tận mắt nhìn, được sờ vào cột mốc chủ quyền Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc nhưng anh Nguyễn Văn Sinh ở tổ 3, ấp Đầu Doi, thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang luôn ấp ủ ý tưởng tạo mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa bằng đất sét nung.

Với tấm lòng luôn hướng về chủ quyền đất nước thiêng liêng, vừa qua, anh đã chế tạo thành công mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa bằng đất sét nung. Từ đó góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, cũng như giáo dục lòng yêu nước của người dân.

Trước đó, trong một lần tình cờ được ngắm mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa trên đỉnh Hòn Me thuộc xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, từ tháng 6/2013, anh Nguyễn Văn Sinh ở huyện Hòn Đất đã bắt đầu đúc thử nghiệm mô hình này từ nguyên liệu đất sét xứ Hòn.

Anh Sinh bên mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa.

Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng anh cũng đã thành công với khuôn bằng gỗ để tạo khối, sử dụng con dấu rời khắc chữ và hình ngôi sao. Mô hình sau khi đúc xong được phơi khô và nung trong 2 ngày. Sau phần trang trí, sơn màu và gắn lá cờ đỏ sao vàng, mô hình cột mốc chủ quyền ra đời với trọng lượng khoảng 400gr, có đầy đủ các thông tin: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đảo Trường Sa, Vĩ độ: 08độ38’30”, Kinh độ: 111độ55’55”.

Trong 1 tháng, anh Sinh có thể đúc hoàn thành 700 mô hình cột mốc chủ quyền như thế. Đặc biệt, trong thời điểm cả nước đang phải đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước ta, bằng lòng yêu nước riêng của mình, anh Nguyễn Văn Sinh đúc hơn 800 mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa giao cho Chi đoàn Văn phòng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòn Đất và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòn Đất.

Không chỉ vì lợi nhuận, anh Sinh làm mô hình cột mốc còn có mong muốn mọi người hiểu thêm rằng, chính cột mốc chủ quyền là ranh giới quốc gia, là sự khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

“Mình là người Việt Nam có tinh thần yêu nước nên sẵn sàng nghiên cứu ra mô hình cột mốc Trường Sa để tuyên truyền cho thế hệ trẻ Việt Nam biết được Trường Sa là của Việt Nam, từ đó tăng thêm tinh thần đoàn kết, cả nước hướng về biển đảo, hướng về Trường Sa”, anh Nguyễn Văn Sinh chia sẻ.

Sau khi mô hình cột mốc Trường Sa ra đời đã được các cơ quan, ban ngành trong huyện sử dụng rộng rãi như đặt ở trường học, trong các thư viện, trên bàn làm việc…như là một cách để tuyên truyền, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Trong các nhà trường thì đây là một cách giáo dục trực quan, sinh động về biển đảo cho học sinh. Việc vận động đặt mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa cũng là một trong những công trình thanh niên của Chi đoàn Văn phòng huyện ủy Hòn Đất.

Bà Đỗ Thị Phương Tâm, Bí thư chi đoàn Văn phòng Huyện ủy Hòn Đất cho biết, thông qua mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa, chi đoàn mong muốn mọi người biết đến chủ quyền đảo Trường Sa của Tổ quốc, qua đó mỗi người Việt Nam sẽ có cảm tưởng mình đang là một cột mốc sống.

Mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa ra đời và được lưu hành rộng rãi ở thời điểm này rất ý nghĩa, góp phần nâng cao nhận thức, lòng yêu nước của đoàn viên, thanh niên trong huyện Hòn Đất, vừa để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, luôn bên cạnh mỗi người Việt Nam./.

Theo Lam Hiếu – K.Diễm/VOV.VN

Tệp đính kèm