Giai đoạn 2014-2016, tỉnh Quảng Ngãi sẽ đóng mới 72 tàu vỏ gỗ, 117 tàu vỏ thép và vật liệu mới, trong đó 49 chiếc có công suất từ 400-800CV và 68 chiếc có công suất 800CV trở lên.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Lưu Hương
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Tại Hội nghị, UNND tỉnh đã phổ biến Nghị định 67 và một số văn bản hướng dẫn của Bộ NNPTNT ban hành; các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính; hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67; kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Nghị định 67 quy định đầy đủ, đồng bộ các chính sách cơ bản nhất cho việc khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời góp phần bảo vệ các vùng biển của nước ta.
Đó là các chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng cho khai thác hải sản gồm các cảng cá, bến cá; chính sách tín dụng; chính sách vay vốn lưu động; chính sách bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên. Nghị định khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn vỏ thép, vật liệu mới, với thời gian vay 11 năm, lãi suất ưu đãi, có hiệu lực từ ngày 25/8.
Theo kế hoạch triển khai Nghị định 67 trên địa bàn giai đoạn 2014-2020, Quảng Ngãi sẽ thực hiện 10-12 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng nghề cá (khu neo trú tàu thuyền, cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung) có tính chất cấp bách, đột phá phát triển thủy sản trong thời gian tới theo hướng bền vững.
Giai đoạn 2014-2016, tỉnh sẽ triển khai thực hiện chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm và một số chính sách khác để hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng tàu đánh bắt và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm từng bước hiện đại hóa đội tàu khai thác hải sản xa bờ, thúc đẩy hình thành phương thức đánh bắt theo hướng liên kết, hợp tác sản xuất trong quá trình khai thác, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho ngư dân, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Dự kiến, giai đoạn 2014-2016, Quảng Ngãi vay vốn đóng mới 72 tàu vỏ gỗ (bao gồm 3 tàu dịch vụ hậu cần và 69 tàu khai thác thủy sản) với chi phí bình quân 3 tỷ đồng/chiếc; 117 tàu vỏ thép và vật liệu mới (gồm 12 tàu dịch vụ hậu cần và 105 tàu khai thác thủy sản), trong đó 49 chiếc có công suất từ 400-800CV, giá bình quân 7 tỷ đồng/chiếc và 68 chiếc có công suất 800CV trở lên, giá bình quân 8 tỷ đồng/chiếc…
Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các sở, ban ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con ngư dân tiếp cận vốn vay theo Nghị định 67 của Chính phủ; hỗ trợ, cho vay đúng quy định, đúng đối tượng; phát huy hiệu quả vốn vay…
“Quảng Ngãi sẽ có nhiều tàu vỏ thép, hoạt động trên biển an toàn hơn, dài ngày hơn, ngư dân sẽ mạnh dạn ra khơi xa, khai thác được nhiều hải sản, hải sản được bảo quan tốt hơn, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn”, ông Phạm Trường Thọ nhận định.
Theo Lưu Hương/Chinhphu.vn