Trong nỗ lực giải mã bí mật của Sao Hỏa, tàu thăm dò tự hành Curiosity của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) hiện đã tiếp cận được chân núi Sharp trước thời hạn dự kiến sau cuộc hành trình kéo dài 18 tháng.
Khám phá Sao Hỏa. (Nguồn: intoday.in)
Các nhà khoa học NASA cho biết kết quả này đạt được là nhờ việc thay đổi lộ trình kịp thời và phù hợp cho tàu Curiosity bởi trước đó, một số bánh xe của con tàu này có dấu hiệu hỏng hóc do địa hình núi đá hiểm trở trên bề mặt Sao Hỏa.
Trong vòng hai tuần tới, tàu Curiosity sẽ tiếp cận và bắt đầu quá trình khoan khối đá màu xanh xám được gọi là Pahrum Hills ngay dưới chân núi Sharp.
Đây được coi là một thành công của Curiosity khi trước đó, hồi tháng Bảy, chương trình khám phá Sao Hỏa của con tàu trị giá 2,5 tỷ USD này đã vấp phải sự chỉ trích của một ban đánh giá độc lập của NASA, cho rằng sứ mệnh thăm dò của Curiosity không mang lại nhiều kết quả so với khoản tiền đầu tư khổng lồ.
Hồi tháng Sáu năm ngoái, các nhà khoa học đã gửi hiệu lệnh chuyển hướng tới Curiosity, yêu cầu tàu thăm dò bắt đầu hành trình tới núi Sharp. Theo đó, các vệ tinh thăm dò đã gửi về nhiều thông tin địa chất của khu vực núi Sharp, nhờ đó NASA đã lập ra một bản đồ khoáng chất của khu vực này, cho thấy vật chất hóa học biến đổi dần dần từ chân tới đỉnh núi.
Các nhà khoa học tin rằng sự thay đổi này phản ánh những thay đổi môi trường trên Sao Hỏa, từ khí hậu ấm và ẩm ướt trong quá khứ tới hình thái sa mạc khô và lạnh hiện nay. NASA hy vọng có thể dựa vào nghiên cứu này để xác định khí hậu tại Sao Hỏa vào thời điểm núi đá này được hình thành.
Tàu Curiosity đáp xuống sao Hỏa vào tháng 8/2012. Trước đó, tàu này đã tìm được nhiều dấu hiệu cho thấy trên hành tinh này từng tồn tại nước và môi trường hỗ trợ cho đời sống vi sinh.
Tuy nhiên, hy vọng tìm thấy bằng chứng về sự sống trên Sao Hỏa của các nhà khoa học NASA đã lùi lại một bước sau khi tàu thăm dò Curiosity gửi về cho thấy lượng khí methane trong bầu khí quyển của Hành tinh Đỏ thấp hơn dự báo trước đó.
Mặc dù vậy, chuyên gia đứng đầu chương trình thám hiểm Sao Hỏa của NASA Michael Meyer cho rằng sự đổ vỡ của giả thuyết khí methane không đồng nghĩa với việc không còn khả năng tìm thấy sự sống trên Hành tinh Đỏ.
Thay vào đó, phát hiện mới sẽ giúp định hướng tốt hơn cho nghiên cứu khoa học vũ trụ trong tương lai./.
(TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/tau-tham-do-curiosity-tiep-tuc-hanh-trinh-kham-pha-sao-hoa/280899.vnp