Nhu cầu của con người vượt quá 50% khả năng thiên nhiên có thể tái tạo. Có nghĩa là chúng ta sẽ cần 1,5 Trái đất để sản xuất ra các nguồn nguyên liệu cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu đó.
Cảnh báo của WWF về suy giảm đa dạng sinh học
Đây là cảnh báo được đưa ra trong báo cáo Hành tinh sống 2014 của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) phát hành mới đây.
Theo báo cáo, số lượng quần thể của các loài cá, chim, động vật có vú, các loài lưỡng cư và bò sát đã giảm 52% trong vòng 40 năm qua. Tốc độ suy giảm đa dạng sinh học của toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương chỉ đứng sau châu Mỹ La-tinh trong cùng giai đoạn.
Những mối đe dọa toàn cầu lớn nhất được ghi nhận đối với đa dạng sinh học đó là suy thoái và mất sinh cảnh, đánh bắt thuỷ sản thiếu bền vững, săn bắt trái phép và biến đổi khí hậu. Trong hàng ngàn loài được theo dõi trong báo cáo, quần thể của chúng suy giảm 56% tại các khu vực nhiệt đới, trong khi đó con số này là 36% tại các vùng ôn đới.
Báo cáo cũng nhận định, nhu cầu trung bình của một người dân Việt Nam đối với thiên nhiên thấp hơn so với các nước phát triển. Theo đó, nếu sống như lối sống của người dân Việt Nam hiện tại, con người sẽ chỉ cần 0,9 Trái đất để đảm bảo nhu cầu về tài nguyên của mình, thay vì 1,5 Trái đất như trung bình.
Tuy nhiên, nhu cầu đó của Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, từ 1,0 gha/đầu người năm 2000 tới 1,4 gha/đầu người năm 2012 và 1,62 gha/đầu người năm 2014 (gha là chỉ số đo lường nhu cầu của con người đối với thiên nhiên). Xu hướng này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên nếu không có những giải pháp thích hợp.
Một điểm đáng chú ý là nghiên cứu trong báo cáo chỉ ra rằng, chúng ta hoàn toàn có thể nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng vẫn hạn chế được nguồn tài nguyên sử dụng.
Theo đó, trong Báo cáo có chương “Tầm nhìn một hành tinh”, trong đó đưa ra những chiến lược để bảo tồn, sản xuất và tiêu thụ một cách thông minh hơn. “Tầm nhìn” cũng ghi nhận những ví dụ điển hình của các cộng đồng châu Á đang thực hiện để giảm nhu cầu của con người đối với thiên nhiên, phục hồi những mất mát đa dạng sinh học.
Tại các nước châu Á, nhiều mô hình thân thiện với thiên nhiên đã được thực hiện hiệu quả. Ví dụ như việc lắp các thiết bị năng lượng mặt trời trên các mái nhà dân sinh và doanh nghiệp; thúc đẩy nông nghiệp đô thị giúp giảm phát thải khí nhà kính, giảm áp lực lên hệ sinh thái tự nhiên; sử dụng năng lượng hoá thạch, thực hiện sáng kiến “Ngày không lái xe” của thành phố; xây dựng các quy định mua sắm xanh bằng cách hơn 90% sản phẩm được mua từ danh sách gợi ý về các sản phẩm xanh.
Thu Cúc
Theo Chinhphu.vn