Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Bộ Ngoại giao nước này đã phê chuẩn một thỏa thuận bán hơn 400 tên lửa Patriot PAC 3 cho Vương quốc Saudi Arabia.
Các hệ thống tên lửa Patriot PAC 3 của Mỹ
Số vũ khí và thiết bị quân sự mà Mỹ bán cho Saudi Arabia sắp tới là nhằm thay thế dần hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có của Saudi Arabia, vốn đã trở nên lỗi thời và khó bảo trì.
Cơ quan hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) thuộc Lầu Năm Góc, đơn vị thực hiện các thỏa thuận bán vũ khí cho nước ngoài, đã thông báo với Quốc hội Mỹ về thỏa thuận vũ khí tiềm năng này. Các nhà lập pháp sẽ có 30 ngày để phản đối thỏa thuận này, nhưng việc này hiếm khi xảy ra.
Theo thỏa thuận vừa được công bố này, Mỹ sẽ cung cấp cho Saudi Arabia 202 tên lửa Patriot PAC 3 không có ống phóng và 202 tên lửa kèm theo ống phóng. Ngoài ra, thỏa thuận này còn bao gồm các thiết bị hỗ trợ, huấn luyện, hậu cần và phụ tùng thay thế kèm theo.
Giá trị tên lửa hành trình cho Saudi Arabia lên tới 1,75 tỷ USD và hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa là 900 triệu USD.
Theo báo cáo của DSCA, Saudi Arabia sẽ nhận được toàn bộ các thiết bị thuộc hệ thống phòng không hiện đại Patriot PAC-3, bao gồm: 2 ống ngắm tầm xa PAC-3, 6 máy tính, 36 bộ điều chỉnh khai hỏa, 2 tên lửa dẫn đường, 2 tên lửa dây PAC-3, 6 bộ hệ thống hậu cần tự động, 6 chốt cắm, phụ tùng và dụng cụ sửa chữa.
DSCA cho biết: “Do đã từng sở hữu hệ thống tên lửa Patriot nên Saudi Arabia sẽ không gặp khó khăn trong việc sử dụng hệ thống tên lửa mới cho lực lượng vũ trang của mình”.
Hai nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ là Lockheed Martin Corp và Raytheon sẽ chịu trách nhiệm sản xuất hệ thống tên lửa trên.
Mỹ hỗ trợ lực lượng phòng không của Saudi Arabia vào thời điểm cả hai nước đang hợp tác để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hiện kiểm soát một vùng lãnh thổ lớn ở Iraq và Syria.
Hiện nay, không quân Mỹ đang sử dụng căn cứ quân sự của Saudi Arabia làm sân bay chính trong chiến dịch không kích IS.
Sau khi thỏa thuận này có hiệu lực, Saudi Arabia sẽ trở thành nước thứ 8 sử dụng hệ thống tên lửa phòng không Patriot PAC-3 sau Mỹ, Đức, Nhật Bản, Kuwait, Hà Lan, UAE và vùng lãnh thổ Đài Loan.
Thời gian qua, chính quyền Mỹ đã liên tục hỗ trợ quân sự các nước đồng minh của mình tại Vùng Vịnh.
Tháng 1/2014, Kuwait đã được Mỹ chuyển giao tên hệ thống tên lửa PAC-3. Tháng 7/2014, Mỹ ký kết thỏa thuận buôn bán vũ khí trị giá 11 tỷ USD với Qatar.
Lá chắn tối tân
Hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo PAC (Patriot Advanced Capability), gọi tắt là Patriot, được Mỹ phát triển để thay thế hệ thống Nike Hercules (là hệ thống phòng không tầm trung và tầm cao của Lầu Năm Góc) và thay thế hệ thống MIM -23 Hawk (hệ thống phòng không chiến thuật tầm trung của quân đội Mỹ).
Patriot sử dụng một hệ thống tên lửa đánh chặn và radar hiệu suất cao trên không tiên tiến. Patriot được chế tạo tại Redstone Arsenal ở Huntsville, Alabama, nơi mà trước đó đã phát triển hệ thống phòng thủ ABM (anti – Ballistic Missile) và các tên lửa Spartan và Sprint nằm trong hệ thống Patriot.
Patriot có bệ phóng được thiết kế trên xe sơ-mi rơ-moóc. Khi đến vị trí chiến đấu, xe đầu kéo sẽ tách khỏi xe mang tên lửa, bệ phóng tên lửa sẽ được cố định bằng các chân chống thủy lực. Patriot sử dụng radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực tích hợp AN/MPQ-53/65.
Đây là một radar độc đáo được thiết kế theo công nghệ "detection-to-kill" (phát hiện-tiêu diệt). Radar có thể kiểm soát 100 mục tiêu trong phạm vi 170km, nó có thể kiểm soát 9 tên lửa cùng lúc. Thiết kế radar tích hợp này có ưu điểm là giảm sự cần thiết phải có thêm hệ thống điều khiển chung, giảm sự cồng kềnh cho hệ thống.
Biến thể nâng cấp Patriot PAC sử dụng công nghệ “hit-to-kill”(truy đuổi-tiêu diệt) rất tiên tiến. Với công nghệ này, tên lửa không sử dụng đầu đạn mà dựa vào động năng của vụ va chạm tốc độ cao để tiêu diệt mục tiêu. Thiết kế trên cho phép khối lượng tên lửa nhẹ hơn, đầu đạn có thể trang bị nhiều hơn các thiết bị điện tử cho nhiệm vụ truy tìm và tiêu diệt mục tiêu. Hiện tại, chỉ có Mỹ phát triển thành công công nghệ độc đáo này.
Mỹ gần đây đã thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn PAC-3 MSE, với khả năng đánh bại mục tiêu đạn đạo chiến thuật và các mục tiêu trên không. PAC-3 MSE có hỏa lực cao hơn so với các phiên bản trước. Mỗi hệ thống PAC-3 MSE trang bị 16 tên lửa, tao ra hỏa lực mạnh hơn so với PAC-2 chỉ có 4 tên lửa.
Theo Bảo Trâm/Chinhphu.vn