Cập nhật: 08/10/2014 08:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các tháng cuối năm bao giờ cũng là thời điểm buôn lậu “tung hoành”. Để kiểm soát tình hình, các địa phương đã xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Ảnh minh họa

Theo dự báo của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, hàng hoá vi phạm sở hữu trí tuệ; cũng như việc vận chuyển trái phép hàng hoá từ biên giới vào địa phương những tháng còn lại năm 2014 sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp.

Do vậy, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh đã yêu cầu mỗi ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh, kiểm soát tình hình; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là cư dân biên giới, các hộ kinh doanh thương mại... tích cực tham gia tố giác tội phạm; không bao che, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu.

Các địa phương nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; tập trung vào các nhóm, ngành hàng trọng điểm như: pháo nổ, thuốc lá, gia cầm... ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của virus cúm A/H5N1, H7N9; tăng cường quản lý địa bàn, các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá như: lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, thuốc chữa bệnh, sắt thép, xi măng...

Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cũng chỉ đạo, đôn đốc lực lượng Quản lý thị trường đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với việc vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng cũng tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại tới từng nhóm đối tượng tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Trong đó tập trung vào việc phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại và các hành vi trái pháp luật khác qua các văn bản pháp luật như: Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và các nghị định liên quan.

Đi đôi với phổ biến pháp luật là tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và các hành vi gian lận thương mại; tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở ký cam kết không kinh doanh hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm; khuyến cáo người tiêu dùng trong việc lựa chọn, mua sắm hàng hóa, tránh mua hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo ATTP… Đồng thời, công khai thông tin về kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tỉnh Thái Bình cũng chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc các đội quản lý thị trường đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với việc vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không bảo đảm chất lượng; phối hợp với chính quyền địa phương, ban quản lý chợ tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, thực hiện đầy đủ các điều kiện theo quy định trong sản xuất, kinh doanh.

Tỉnh cũng yêu cầu lực lượng công an điều tra, phát hiện, làm rõ các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả có giá trị lớn để xử lý. Sở Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phối hợp với cơ quan chức năng quản lý tốt lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hàng hóa và công tác giám định, thử nghiệm hàng hóa phục vụ công tác đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại…

Việc đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn được xác định là nhiệm vụ hết sức cấp thiết. Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 yêu cầu các Bộ, ngành phải xác định rõ nhiệm vụ phòng chống tội phạm, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và liên tục. Địa phương, địa bàn nào để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phức tạp, kéo dài thì lãnh đạo địa phương và lực lượng quản lý thị trường phụ trách địa bàn đó phải chịu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật theo quy định.

Phương Nhi

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm