Cập nhật: 10/10/2014 09:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Có thể nói rằng, đề tài Thủ đô đã làm nảy nở một số thành tựu về âm nhạc, qua những tác phẩm đi vào lịch sử, đánh dấu bước tiến triển của nghệ thuật dân tộc.

Đề tài về Hà Nội là nguồn cảm hứng đối với nhiều nhạc sĩ

Trong kho tàng ca khúc cách mạng Việt Nam 60 năm qua, những bài hát viết về Thủ đô Hà Nội chiếm một khối lượng đáng kể. Trên đất nước ta có lẽ không thành phố, miền đất nào lại có nhiều bài hát hay như Hà Nội. Điều đó dễ hiểu bởi hơn mười thế kỷ qua, đất Thăng Long là Thủ đô và luôn là trung tâm của quốc gia trên các lĩnh vực.

Hà Nội trong các ca khúc cách mạng

Sau cuộc tổng khởi nghĩa thành công, Hà Nội tràn ngập trong không khí các bài ca cách mạng. Đó là thời gian mà Tiến quân ca, Diệt phát xít, Nhớ chiến khu… đi vào từng phố từng nhà, không chỉ là những bài  hát ‘‘cửa miệng’’ của lứa tuổi thanh niên, mà còn hấp dẫn cả các em thiếu nhi, các cụ phụ lão.

Đầu năm 1947, sau một tháng trời cầm cự oanh liệt trong lòng Hà Nội, cùng với trung đoàn Thủ đô hiên ngang anh dũng, hàng vạn con người Thủ tỏa ra khắp các nẻo đường kháng chiến. Trên vai chiếc ba lô nhẹ tênh nhưng lòng tràn đầy hào khí dân tộc, họ ra đi và một bài hát họ đem theo cũng nhanh chóng “tràn đi như gió”. Đó là bài Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi. Nếu nhìn về bút pháp, Người Hà Nội vẫn mang dấu ấn chung của khuynh hướng “âm nhạc cải cách” nhưng sự sáng tạo của tác giả đã tô thêm nhiều màu sắc mới mẻ. Quá khứ oanh liệt xa xưa gắn chặt với hiện thực nóng bỏng được nhắc đi nhắc lại như một nét nhạc chủ đạo: “Hà Nội cháy, khói lửa ngút trời/ Hà Nội hồng, ầm ầm rung”.

[video]/upload/2014/VIDEO/CANHAC_2014/nguoi hn.mp4[/video]

Ca khúc "Người Hà Nội" do NSND Lê Dung thể hiện

Bài ca vừa là một tiếng hát trữ tình có tính sử thi, vừa là một tiếng kèn thôi thúc hành động. Nó không còn đóng khung trong khuôn khổ những ca khúc ngắn mà đi vào một thể loại mới, một thể loại có người gọi là “trường ca”, trong đó nhiều tác giả khác đã triển khai và đạt thành công lớn như Tiếng hát sông Thao (Đỗ Nhuận), Trường ca Sông Lô (Văn Cao), Bài ca của người lính da đen (Nguyễn Đình Phúc)…

Còn trong bài Thủ đô huyết thệ, Lương Ngọc Trác khẳng định quyết tâm của người Hà Nội giành lại Thủ đô. Trong Ba Đình nắng, Bùi Công Kỳ hồi tưởng lại những ngày rực rỡ mùa thu tháng 8.

Nhưng đến giai đoạn “chuẩn bị tổng phản công”, trong tâm trí mọi người, “ngày về” không chỉ là mơ ước nguyện vọng nữa. Huy Du khẳng định dứt khoát trong bài “Ta sẽ về Thủ đô” và Văn Cao như nhìn tận mắt cảnh: “Trùng trùng say trong câu hát/ Lớp lớp đoàn quân tiến về....” trong hành khúc Tiến về Hà Nội.

[video]/upload/2014/VIDEO/CANHAC_2014/tien ve hn.mp4[/video]

NSƯT Tiến Thành và dàn đồng ca Đài TNVN thể hiện hành khúc "Tiến về Hà Nội"

Tháng 10/1954, chúng ta trở lại Thủ đô sau 8 năm xa cách. Hàng loạt những bài hát đã đánh dấu ngày đáng ghi nhớ đó như: Bác đã về Thủ đô (Lê Yên), Về Thủ đô (Tô Vũ), Nhớ về Thủ đô (Phạm Văn Chừng), Thủ đô yêu dấu (Nguyễn Đình Phúc). Nhưng để lại lòng người nhiều lưu luyến hơn hết có lẽ là bài hát Thủ đô thân mến của Nguyễn Xuân Khoát, với âm điệu vương vấn chút ít phong cách quan họ.

Những bước phát triển trong sáng tác nhạc về Hà Nội

Sau những ngày hòa bình lập lại, đề tài về Hà Nội hầu như lắng chìm đi trong một thời gian. Các nhạc sĩ đã tạm xa Hà Nội để đi vào “những mũi nhọn” của cuộc sống. Rồi cứ thế, nhịp sống bình thường hóa, một vài đề tài quen thuộc của chốn “ngàn năm văn vật” lại được khơi lên như: Sớm Hà Nội (Trọng Bằng) , Chiều Hồ Gươm (Trần Thụ), Quanh quanh bờ Hồ (Nguyễn Xuân Khoát).

Sau “sự kiện vịnh Bắc bộ” cách đây 60 năm, mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Hà Nội trở lại không khí kháng chiến, vừa đánh giặc vừa tiếp tục xây dựng, kiến thiết. Đề tài về Hà Nội trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. So với những bài hát kháng chiến chống Pháp trước kia, những bài hát về Hà Nội lúc này đánh dấu những bước phát triển rất dễ nhận.

Về mặt đề tài, những chủ đề khái quát đã ít đi hẳn, nhường chỗ cho những chủ đề thiết thực, cụ thể, đi sâu vào những khía cạnh thiết thực của con người và cuộc sống Thủ đô. Về mặt bút pháp, bên cạnh những hành khúc mới, xuất hiện nhiều bài mang dáng dấp dân ca hoặc mô phỏng phát triển dân ca. Về mặt đội ngũ, bên cạnh những nhạc sĩ “đàn anh” lớp trước, nhiều tài năng trẻ đã xuất hiện, vững vàng và đầy hứa hẹn.

  [video]/upload/2014/VIDEO/CANHAC_2014/HN.mp4[/video]

"Bài ca Hà Nội" do NSƯT Kiều Hưng thể hiện

Có những bài đi theo truyền thống hiệu triệu nói lên ý chí quyết tâm chiến đấu của người Hà Nội như Hà Nội quyết đánh Mỹ (Cầm Phong), Hà Nội lên đường (Xuân Giao). Có những bài đi sâu vào con người Hà Nội cầm súng bảo vệ vùng trời Thủ đô như Bảo vệ Hà Nội (Doãn Nho), Bài ca Hà Nội (Vũ Thanh). Những nhạc sĩ miền Nam cũng khai thác đề tài này như Gửi anh cao xạ pháo (Lê Quỳnh), Yêu tha thiết trái tim Tổ quốc (Văn Chừng), Cả nước hướng về Hà Nội (Trọng Bằng).

Trên mặt trận sản xuất, Hà Nội cũng rầm rộ ra quân những bài hát đáng chú ý. Về công nhân, có Bài ca công nhân Thủ đô (Hồ Bắc), Khi thành phố lên đèn (Thái Cơ). Về nông dân, có Cô gái ngoại thành (Hoàng Vân), Qua bãi sông Hồng (Lê Lôi). Có những tác giả  hầu như chỉ viết riêng về thiếu nhi Hà Nội như Lê Bùi, Trần Hữu Pháp...

Trong hầu hết mọi bài hát, bối cảnh Hà Nội không chỉ còn mang ý nghĩa làm nền, mang tính cách tượng trưng với những hình ảnh quen thuộc như cầu Long Biên, Tháp Rùa, Đống Đa, Hoàn Kiếm..., nhạc sĩ Phạm Tuyên đã có một cách khai thác độc đáo đề tài Hà Nội khi Từ một ngã tư đường phố (Phạm Tuyên) qua một nhịp điệu rộn ràng, nói lên không khí rất Hà Nội trong một khung cảnh bình dị với những con người bình thường. Hà Nội – Điện Biên Phủ của Phạm Tuyên, Tiếng hát của Hà Nội hôm nay của Nguyễn An, Hà Nội niềm tin và hy vọng của Phan Nhân được xem như mốc chấm dứt một giai đoạn.

Hà Nội trong các nhạc phẩm ngày nay

So với các thời kì trước, có lẽ không lúc nào chúng ta lại có nhiều bài hát về Thủ đô như thế, từ Hà Nội mùa thu (Vũ Thanh), Trời Hà Nội xanh (Văn Ký), Một thoáng Hồ Tây (Phó Đức Phương), đến Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn), Hà Nội một trái tim hồng (Nguyễn Đức Toàn), Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp), Hà Nội đêm trở gió (Trọng Đài), Hà Nội mùa vắng những cơn mưa (Trương Quý Hải), Có phải em mùa thu Hà Nội (Trần Quang Lộc), rồi Hà Nội và tôi (Lê Vinh), Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội (Nguyễn Cường), Tình yêu Hà Nội (Hoàng Vân)…

 [video]/upload/2014/VIDEO/CANHAC_2014/co phai em mthn.mp4[/video]

Ca sĩ Hồng Nhung thể hiện ca khúc "Có phải em mùa thu Hà Nội"

Hà Nội hôm nay là một thành phố hiện đại, đã thể hiện rõ khả năng hội nhập với khu vực và toàn cầu. Những bài hát viết về Hà Nội theo phong cách Pop, Rock, Rap và nhiều hình thức nhạc nhẹ khác đã không mấy trụ lại được trong lòng quần chúng, so với những bài được viết theo phong cách dân gian (folklo) hoặc bác học (academique). Bền vững theo thời gian luôn là những bài hát có ngôn ngữ âm nhạc được chắt lọc tinh tế, thể hiện rõ vẻ trữ tình, tha thiết, lịch lãm và hào hoa. Đó mới đích thực là những âm thanh của Hà Nội, dẫu được ra đời trong bất cứ bối cảnh nào.

Có thể nói rằng, đề tài Thủ đô đã làm nảy nở được một số thành tựu về âm nhạc, qua những tác phẩm đi vào lịch sử, đánh dấu những bước tiến triển của nghệ thuật dân tộc.

Thủ đô sẽ còn là đề tài phong phú vô tận cho các nhạc sĩ Việt Nam. Biết bao cạnh khía còn chưa được khai thác ở đề tài Thủ đô? Còn đỉnh cao nghệ thuật nào nữa cần được vươn tới? Đó là những bài toán không khỏi không làm nặng lòng những người sáng tác tha thiết với Hà Nội khi nghĩ rằng đối tượng họ mô tả không những là kết tinh những truyền thống ngàn xưa của dân tộc, mà còn phải là tiêu biểu cho những gì tiên tiến nhất, hiện đại nhất bởi đất và người Thủ đô đã qua 60 mùa Thu trưởng thành và lớn mạnh./.

Nhạc sĩ Dân Huyền

Theo VOV.VN

Tệp đính kèm