Số gỗ này gồm 11 phách gỗ gõ và 55 phách gỗ kiền kiền. Tất cả đều không có dấu búa kiểm lâm.
Gỗ lậu thị bắt giữ. Ảnh: Báo Thanh niên
Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa, TP Đà Nẵng vừa phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam tạm giữ hơn 14,3 m3gỗ cất giấu trái phép tại khu vực rừng giáp ranh giữa huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam và huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.
Số gỗ này gồm 11 phách gỗ gõ và 55 phách gỗ kiền kiền. Tất cả đều không có dấu búa kiểm lâm, chưa xác định được chủ sở hữu.
Trước đó, vào ngày 6/10, qua tin báo của người dân, lực lượng kiểm lâm thuộc Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông (thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa, TP.Đà Nẵng) đã phát hiện tại khoảnh 5, tiểu khu 37, rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa 2 bãi tập kết gỗ với khối lượng hơn 14,3 m3.
Do khu vực phát hiện số gỗ nằm ở vùng giáp ranh giữa xã Tư (huyện Đông Giang) và huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) nên ngay sau khi phát hiện vụ việc trên, Hạt kiểm lâm huyện Đông Giang đã phối hợp với lực lượng chức năng của phía Đà Nẵng lập biên bản, xử lý vụ việc.
Lãnh đạo UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: Sau khi phát hiện vụ việc, chính quyền địa phương và Hạt Kiểm lâm huyện Đông Giang đã phối hợp với cơ quan chức năng TP Đà Nẵng lập biên bản kiểm tra, đo đếm, đồng thời cắt cử lực lượng bảo vệ tang vật chờ xử lý.
Trong tháng 10 sẽ khởi tố bị can vụ phá rừng nghiêm trọng tại Quảng Nam
Sau khi khởi tố vụ án phá rừng với quy mô lớn trên địa bàn huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) vào ngày 18/9, hiện, cơ quan chức năng đang cử điều tra viên có kinh nghiệm làm rõ, quyết tâm khởi tố bị can trong tháng 10.
Trước đó, qua công tác tuần tra, truy quét, Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam và Hạt Kiểm lâm huyện Nông Sơn đã phát hiện tại tiểu khu 640, 642 thuộc vùng sâu, vùng xa nhất của xã Quế Lâm (huyện Nông Sơn), một lượng lớn gỗ xẻ gồm 257 phách gỗ, tổng khối lượng hơn 51m3 gỗ các loại thuộc nhóm từ I đến VII như chò, gõ, huỳnh, xoan đào.
Sau khi phát hiện lượng lớn lâm sản (gỗ) khai thác trái phép, cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường, thống kê số lâm sản khai thác trái phép.
Cục Kiểm lâm cũng cử đoàn công tác vào Nông Sơn kiểm tra, chỉ đạo phối hợp cơ quan chức năng sớm đưa vụ việc ra ánh sáng.
Do địa hình phức tạp, lượng gỗ lớn, nên đến đầu tháng 10, lực lượng chức năng mới thu gom đưa ra khỏi rừng hơn 30m3, hiện đang tập trung lực lượng tiếp tục vận chuyển số còn lại.
Báo Công an TPHCM dẫn lời ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, do rừng Nà Lau tình hình phức tạp, rừng tự nhiên chưa giao cho dân mà xã đang quản lý, do lực lượng tuần tra mỏng nên lâm tặc đã lợi dụng vào khai thác. Chúng tập kết sẵn, chờ mùa mưa lợi dụng nước sông suối lên vận chuyển về xuôi.
Sau khi đốn hạ, xẻ từ 600 ngàn đến 2 triệu đồng/khối/tùy giá trị, sau đó thuê vận chuyển 200-400 ngàn đồng/phách, về chân núi tập kết thì giá đã tăng lên 4-5 lần.
Từ đây, chúng có thể chuyển theo đường suối về Quế Lâm hoặc kết bè thả sông Thu Bồn xuôi đồng bằng (Điện Bàn, Hội An, Đà Nẵng...). Nếu trót lọt, giá đội lên gấp hàng chục lần, như gỗ gõ mật 30-50 triệu đồng/m3, dổi hương 15-20 triệu/m3, chò nâu 8-14 triệu/m3...
HK
Theo Chinhphu.vn