Cục Trồng trọt sẽ tiếp tục đề xuất với Bộ NN&PTNT những chính sách phù hợp để giúp đỡ tối đa các doanh nghiệp trong và ngoài nước tháo gỡ khó khăn, tổ chức sản xuất hạt giống lúa lai F1 tại Việt Nam.
Trung tâm Khuyến nông quốc gia khảo sát một số mô hình nghiên cứu giống lúa F1 tại miền Bắc.
Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Các tổ hợp lúa lai F1 thế hệ mới tích hợp nhiều gene quý có tiềm năng cho năng suất cao, khả năng thích ứng rộng, kháng bệnh tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, có chất lượng cao hơn và có hương thơm… Đây chính là niềm tự hào của lúa lai Việt Nam.
Nỗ lực được “trổ bông”
Trong năm 2014, vụ Đông Xuân ở miền Bắc, đầu vụ gặp nhiều đợt rét đậm kéo dài làm cây lúa sinh trưởng chậm. Tháng 3 đến tháng 4, trời âm u, lạnh, cây lúa đẻ nhánh kéo dài, phân hóa đòng chậm, các dòng bố mẹ sinh trưởng lệnh pha gây tốn nhiều công, vật tư hóa chất điều chỉnh trỗ trùng khớp.
Đến thời điểm trung tuần tháng 5 thì lại có nhiều đợt nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ trung bình cao hơn trung bình nhiều năm 1,0-1,5 độ C, nhiều ngày nhiệt độ cao trên 38 độ C. Đặc biệt, từ ngày 15 đến 25/5 đợt nắng nóng dữ dội trùng vào thời điểm lúa trỗ bông, tung phấn, làm ảnh hưởng xấu đến khả năng thụ phấn, kết hạt vào chắc.
Ở miền Nam, đầu vụ thời tiết thuận lợi, cuối vụ gặp nắng nóng 34-36 độ C ảnh hưởng tới sinh trưởng của cây lúa. Khu vực miền Trung và Tây Nguyên giai đoạn mạ, cây con cũng bị ảnh hưởng do thời tiết lạnh của miền Bắc...
Trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, các đơn vị đã áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật để điều chỉnh sinh trưởng cho bố mẹ. Kết quả một số mô hình năng suất vẫn cho năng suất cao như tổ hợp TH3-3 tại Nam Định đạt 27-35 tạ/ha.
Tổng sản lượng hạt lai F1 sản xuất trong nước cả năm ước đạt khoảng 5.000 tấn, lần đầu tiên đáp ứng khoảng 40% nhu cầu hạt lai F1 của Việt Nam.
Thực tế, hiện nay cả nước chỉ còn khoảng 20 doanh nghiệp duy trì sản xuất hạt giống lúa lai F1 tại Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, chuyên gia đầu ngành về chọn tạo giống lúa lai của Việt Nam chia sẻ ngành chọn tạo giống lúa lai Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn cơ bản.
Giai đoạn đầu tiên: Sử dụng hạt lai F1 nhập nội, khảo nghiệm thích ứng và đưa vào sản xuất, giai đoạn này ngành sản xuất lúa lai của Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn giống nước ngoài. Giai đoạn thứ hai: Các nhà khoa học trong nước đã chọn tạo được các dòng bố mẹ tốt, đặc biệt là các tổ hợp lúa lai hai dòng triển vọng mang thương hiệu Việt Nam đầu tiên, đồng thời xác định được các vùng nhân dòng bố mẹ và vùng sản xuất hạt lai F1 phù hợp. Giai đoạn 3 (hiện nay): Đã có bước tiến vượt bậc về chất, các thế hệ học trò đã cùng các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu và chọn tạo được các tổ hợp lúa lai F1 thế hệ mới tích hợp nhiều gene quý có tiềm năng năng suất cao, có khả năng thích ứng rộng, khả năng kháng bệnh tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, có chất lượng cao hơn và có hương thơm… Đây chính là niềm tự hào của lúa lai Việt Nam.
Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay về cơ bản đã làm chủ được công nghệ sản xuất hạt lai. Tuy nhiên, để tạo bước đột phá về năng suất, sản lượng và quy mô sản xuất, các doanh nghiệp tham gia sản xuất lúa lai không còn cách nào khác phải đầu tư vào nghiên cứu.
Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng cùng các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật, mua bản quyền, tổ chức sản xuất để tạo ra được các dòng bố mẹ, các tổ hợp lai có ưu thế vượt trội để phát triển lúa lai thương hiệu Việt bền vững.
Tìm hướng phát triển bền vững
Ông Phạm Quang Dương, Giám đốc Chi nhánh miền Bắc, CTCP giống cây trồng miền Nam cho biết, các đơn vị nhập khẩu hạt giống bố mẹ từ nước ngoài sản xuất hạt lai F1 tại việt Nam hầu hết đều không ổn định và không có nhiều lợi nhuận.
Ông Dương khẳng định chỉ có các đơn vị chủ động được nguồn cung giống bố mẹ trong nước hoặc tự sản xuất được giống bố mẹ, kiểm soát được chất lượng hạt giống bố mẹ thì sản xuất hạt lai F1mới ổn định và có lãi, cộng thêm giá trị gia tăng do người nông dân được hưởng lợi trong chuỗi sản xuất sẽ tạo nên hệ thống bền vững trong sản xuất hạt giống lúa lai F1.
Năm 2014, Bộ NN&PTNT đã đầu tư nguồn lực rất lớn cho Dự án sản xuất hạt giống lúa lai F1 trong nước giai đoạn 2014-2016.
Theo TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nhận thấy yếu tố quyết định thành công trong sản xuất hạt lai là hạt giống bố mẹ, Bộ NN&PTNT đã tiếp tục cho phép triển khai dự án duy trì và sản xuất hạt giống bố mẹ cho các tổ hợp lúa lai 2, 3 dòng.
Việc sản xuất này có triển vọng có năng suất, chất lượng cao sản xuất trong nước giai đoạn 2015-2017 để tạo chuỗi kép kín từ nghiên cứu duy trì nguồn giống bố mẹ, sản xuất hạt giống F1, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để hoàn thiện quy trình và công nghệ sản xuất lúa lai F1 trong nước.
Ông Pham Đồng Quảng, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định Cục Trồng trọt sẽ tiếp tục đề xuất với Bộ NN&PTNT những chính sách phù hợp để giúp đỡ tối đa các doanh nghiệp trong và ngoài nước tháo gỡ khó khăn, tổ chức sản xuất hạt giống lúa lai F1 tại Việt Nam.
Các đơn vị trong nước đã có nhiều nỗ lực trong nghiên cứu và phát triển sản xuất bố mẹ và hạt giống lúa lai F1 trong nước. Ruộng sản xuất hạt giống lúa lai F1 từ nguồn bố mẹ sản xuất trong nước đã đạt năng suất cao với độ thuần đồng ruộng qua kiểm định đạt tương đương các giống nhập nội, ông Quảng nhận định.
Đỗ Hương
Theo Chinhphu.vn