Khánh thành từ năm 2010, đến nay Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây đã khai thác cục bộ được 4 năm. Tuy nhiên cho đến nay, gần như chưa có hạng mục nào trong 7 khu chức năng thực sự hoàn chỉnh.
Trải nghiệm đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc là một dịch vụ văn hóa hấp dẫn. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà
Thiếu kinh phí cùng với nhiều khó khăn khác khiến cho khu làng văn hóa lớn nhất Việt Nam chưa hoàn thành các sứ mệnh của mình.
Chưa thể thu hút khách
Từ khi khai trương, mở cổng làng và bắt đầu giai đoạn khai thác cục bộ, Làng Văn hóa-Du lịch (VHDL) các dân tộc Việt Nam mới thực hiện được một sứ mệnh là tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam; tăng cường tình đoàn kết, tổ chức giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Sứ mệnh còn lại là trở thành “trung tâm du lịch, dịch vụ, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí có quy mô lớn, đồng bộ tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, khai thác các lợi thế sẵn có về tài nguyên văn hóa, thiên nhiên tạo động lực cho sự phát triển bền vững” thì vẫn chưa thực hiện được.
Đến nay, mới có Khu các làng dân tộc cơ bản hoàn thành không gian văn hóa tiêu biểu của 54 dân tộc. Các hạng mục còn lại như khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ, khu di sản văn hóa, khu nghỉ dưỡng… vẫn còn dang dở hoặc đang kêu gọi đầu tư.
Trong 7 hạng mục của Làng VHDL, Khu làng 54 dân tộc là điểm nhấn quan trọng nhất tạo sức hút đối với khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu và giao lưu văn hóa. Tuy nhiên, số lượng khách du lịch đến tham quan hầu như không đáng kể. Mọi hoạt động của Khu làng vẫn mang tính chất sự kiện. Ngoại trừ 3 sự kiện lớn mang tính chất cố định, định kỳ hàng năm thu hút khách tới tham quan, thời gian còn lại hầu như không có khách.
Các công trình hạng mục đã xây dựng do không được sử dụng, tu bổ thường xuyên nên đã xuống cấp khá nhiều. Đặc biệt là các ngôi nhà của các khu làng dân tộc làm bằng gỗ bị mối mọt, cháy, mục nát. Công tác sửa chữa phải thực hiện liên tục và tốn kém bởi sửa xong hạng mục này thì hạng mục kia bắt đầu hư hỏng, xuống cấp.
Câu chuyện "con gà và quả trứng "
Dự kiến sang năm 2015, Làng sẽ bắt đầu tổ chức bán vé thu phí khách tham quan để có nguồn thu bù đắp phần nào cho các khoản chi. Song đây thực sự là một bài toán khó.
Nhà của đồng bào dân tộc chủ yếu làm từ gỗ, tre, nứa nên rất nhanh xuống cấp. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà
Bà Toán Thị Hương, Chánh Văn phòng BQL Làng cho biết, BQL Làng đã có buổi làm việc với hơn 100 doanh nghiệp du lịch để lắng nghe góp ý. Đồng thời bàn kế hoạch liên kết, xây dựng tour, tuyến đưa khách du lịch tới Làng tham quan. Tuy nhiên, do chưa có hệ thống dịch vụ phục vụ khách du lịch, Khu làng 54 dân tộc dù có cảnh quan hấp dẫn nhưng vẫn chưa trở thành sản phẩm du lịch. Doanh nghiệp lữ hành cho biết nếu Làng có sản phẩm du lịch thực sự, họ sẽ tự tìm đến.
Chừng nào chưa thể thu được tiền từ du khách, Làng sẽ còn phải tiếp tục lệ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước. Ông Lâm Văn Khang, Phó trưởng BQL Làng cho biết, kinh phí thiếu hụt nên nhiều hạng mục công trình cho tới nay vẫn còn dang dở. Theo kế hoạch, Làng VHDL được xây dựng bằng 100% nguồn vốn nhà nước. Tuy nhiên, kinh phí cấp từ ngân sách đến nay chỉ đạt 30% lại dàn trải trong một khoảng thời gian quá dài dẫn đến quá trình đầu tư xây dựng nhiều hạng mục bị chậm tiến độ.
Bên cạnh việc điều chỉnh quy mô nhiều hạng mục, BQL đã huy động xã hội hóa nguồn vốn để hoàn thành theo tiến độ. Tuy nhiên, việc huy động nguồn vốn gặp nhiều khó khăn nên mái nhà chung của 54 dân tộc anh em vẫn chưa biết khi nào mới hoàn thiện.
BQL cũng xác định các hạng mục công trình dịch vụ sẽ sử dụng nguồn vốn huy động từ nguồn xã hội hóa. Song phía doanh nghiệp lữ hành thì ra điều kiện, “hãy cứ đầu tư sản phẩm, hạ tầng dịch vụ phục vụ khách du lịch đi, chúng tôi sẽ đưa khách tới”. Trong khi BQL lại mong muốn có khách đến, có nguồn thu nhằm bù đắp chi phí duy trì nguồn nhân lực và hạ tầng sẵn có.
Năm 2013, chỉ riêng kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các hạng mục đã lên tới 3 tỷ đồng. Tuy vậy, con số này cũng mới chỉ giải quyết được 50% so với nhu cầu thực tế. Đặc điểm khí hậu Sơn Tây nắng lửa, mưa nhiều, ẩm thấp, mối mọt đã làm giảm tuổi thọ các công trình vốn chỉ làm bằng rơm, rạ, gỗ, tranh tre, nứa.
Bà Hương cho hay: “Sửa xong công trình đầu làng thì công trình cuối làng hỏng. Chúng tôi cũng có nguồn kinh phí dự phòng cho những sửa chữa nhỏ. Song với những ngôi nhà bị cháy, mối mọt nặng thì phải đưa vào dự toán để xin kinh phí của năm sau chứ không thể có ngay kinh phí sửa chữa”.
“Chưa kể nhiều công trình đòi hỏi nguồn nguyên vật liệu không có ở Hà Nội. Do đó, nhiều ngôi nhà hỏng hóc đã lâu nhưng chưa kịp sửa chữa bởi phải đợi vận chuyển nguyên liệu từ Tây Nguyên ra".
BQL Làng đã xây dựng Đề án bán vé tham quan Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam năm 2014-2016. Đề án này nhằm tạo nguồn thu, góp phần tái đầu tư xây dựng, giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, chủ động trong công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch.
Đề án đã tính tới việc xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các hạng mục dịch vụ hạ tầng nhằm phục vụ du khách. “Đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà vẫn giữ được bản sắc đặc thù văn hóa của Làng thực sự là một bài toán khó”, bà Hương chia sẻ.
“Doanh nghiệp muốn nhanh chóng thu lợi khi bỏ tiền ra đầu tư. Nhưng dịch vụ trong Làng VHDL các dân tộc Việt Nam thì không thể như những khu du lịch khác. Không thể xô bồ, chụp giật, chặt chém, mất an toàn vệ sinh mà phải rất văn hóa, rất truyền thống và có bản sắc”, bà Hương nói.
“Làm thế nào để thu hút nguồn vốn xã hội hóa nhưng không ảnh hưởng tới không gian văn hóa Làng là điều khiến chúng tôi trăn trở. Chúng tôi đang cố gắng xây dựng các điều kiện, quy chế làm sao dung hòa được lợi ích của doanh nghiệp và bản sắc của Làng. Để làm được điều này, chúng tôi cần tìm được doanh nghiệp bên cạnh nguồn lực tài chính thì còn có tâm, có vốn văn hóa, say mê với truyền thống văn hóa dân tộc”.
Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc Hoàng Đức Hậu cho rằng, đây là ngôi làng của cả dân tộc. Do đó cần có sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng, doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương. Nếu chỉ một mình BQL Làng đơn thương độc mã, rồi chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách thì nỗ lực tới đâu cũng khó có thể hoàn thành được những mục tiêu đã đề ra.
Nguyệt Hà
Theo Chinhphu.vn