Cập nhật: 22/10/2014 08:59:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo trang msn.com, những người sống cùng nhà với Thomas Duncan, bệnh nhân Ebola đầu tiên ở Mỹ đã rời khu cách ly trong tình trạng khỏe mạnh. 

Y tá tác nghiệp tại Khoa bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm thuộc viện quân y Begin, gần thủ đô Paris, Pháp, nơi tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nghi nhễm Ebola. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sức khỏe của một nữ y tá người Tây Ban Nha và bốn nhân viên cứu trợ người Mỹ bị nhiễm Ebola ở Tây Phi cũng đã có chuyển biến tích cực.

Và không phải tất cả những người dương tính với Ebola đều tử vong. Vậy lý do ở đây là gì?

Việc 43 người ở Dallas từng tiếp xúc với bệnh nhân Thomas Duncan được chấm dứt cách ly "đã khẳng định thêm điều nhiều người trong số chúng ta từng nói: Ebola không dễ lây lan," tiến sỹ Joseph McCormick thuộc Khoa Sức khỏe cộng đồng, Đại học Texas cho biết.

Từng làm việc ở Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống bệnh dịch, tiến sỹ McCormick đã nghiên cứu đợt bùng phát Ebola đầu tiên hồi năm 1976 cùng các đợt bùng phát Ebola tiếp theo và các loại virus gây xuất huyết khác.

Virus Ebola lây truyền qua tiếp xúc với các loại dịch cơ thể, qua vết thương hở trên da, hoặc dùng tay đã bị nhiễm dịch đưa lên mắt hay mũi.

Một khi đã xâm nhập cơ thể, Ebola bắt đầu tấn công hệ miễn dịch và vô hiệu hóa cơ chế báo động.

Virus nhanh chóng sinh sản và tấn công các tế bào trước khi hệ miễn dịch nhận ra và phản ứng lại.

Chỉ sau khi virus sinh sôi đủ mạnh thì các triệu chứng mới xuất hiện, bắt đầu là sốt, đau cơ, đau đầu và đau họng. Khi đó một người mới được xác nhận là đã nhiễm bệnh.

Hiện vẫn chưa rõ tại sao Ebola có ảnh hưởng khác nhau tới những người khác nhau. Tuy nhiên, theo tiến sỹ McCormick, tốc độ xuất hiện triệu chứng phụ thuộc vào số lượng virus mà bệnh nhân bị phơi nhiễm ban đầu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định lượng virus tập trung nhiều ở trong máu, chất nôn và chất bài tiết của bệnh nhân hơn các loại dịch cơ thể khác.

Hiện chưa có phương pháp đặc trị Ebola, nhưng các chuyên gia cho biết các biện pháp chăm sóc hỗ trợ căn bản như truyền dịch và chất dinh dưỡng qua tĩnh mạch hay duy trì huyết áp là hết sức quan trọng để bệnh nhân có thêm thời gian chống lại virus.

Việc bị nôn và tiêu chảy thường xuyên sẽ gây ra mất nước cho cơ thể. Tồi tệ hơn, trong các trường hợp nghiêm trọng, mạch máu của bệnh nhân nứt và rỉ máu ra, khiến huyết áp giảm xuống mức nguy hiểm và tụ dịch ở phổi.

"Chìa khóa ở đây là cân bằng giữa duy trì huyết áp bằng truyền máu và ngăn phổi bị sưng phù," tiến sỹ McCormick cho hay.

Các trường hợp tử vong xảy ra khi cơ thể bị sốc và hoạt động của các cơ quan nội tạng thất bại.

"Chúng tôi dựa vào khả năng miễn dịch của cơ thể để kiểm soát virus. Chúng tôi phải duy trì tình trạng sống của bệnh nhân đủ lâu để cơ thể kiểm soát được căn bệnh," tiến sỹ Bruce Ribner thuộc đơn vị chống bệnh truyền nhiễm ở bệnh viện đại học Emory (Atlanta), nơi đã điều trị thành công cho ba nhân viên cứu trợ bị nhiễm Ebola cho biết.

Các bác sỹ ở Trung tâm Y tế Emory và Nebraska, nơi điều trị thành công cho nhân viên cứu trợ thứ tư cho biết, các biện pháp điều trị thử nghiệm như truyền plasma từ những người nhiễm Ebola và đã hình thành kháng thể cho bệnh nhân, hay dùng các loại thuốc thử nghiệm hiện vẫn còn khan hiếm không đảm bảo chắc chắn bệnh nhân sẽ được cứu.

Khả năng sống sót của bệnh nhân còn phụ thuộc vào việc họ có được chăm sóc kịp thời hay không.

Nghiên cứu của tiến sỹ McCormick còn chỉ ra một yếu tố ngoài tầm kiểm soát có ảnh hưởng khác, đó là khả năng phản ứng nhanh của hệ miễn dịch khi virus vừa xâm nhập.

Một nghiên cứu khác lại cho rằng có mối liên hệ giữa các nhân tố miễn dịch di truyền và khả năng sống sót khi nhiễm virus./.

 

KIM ANH (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/chuyen-bien-moi-trong-dieu-tri-ebola-virus-khong-de-lay-lan/287275.vnp

Tệp đính kèm