Liên quan đến di tích tế lễ Trời-Đất của các Hoàng đế đầu thời Lý tại lô E khu vực khảo cổ học Vườn Hồng (Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 4134/BVHTTDL-DSVH gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc đảm bảo an toàn cho di tích tâm linh đặc biệt này.
Khu di tích tâm linh đặc biệt thời Lý (Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội, Hội trường Ba Đình (mới) và Viện Khảo cổ học đề xuất biện pháp khắc phục những sự cố trong quá trình thi công xây dựng gara ngầm làm ảnh hưởng đến di tích.
Bên cạnh đó, các bên liên quan cần nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ pháp lý khoanh vùng bảo vệ di tích này theo chỉ đạo của Thú tướng Chính phủ.
Kiến trúc vòng tròn đồng tâm của trung tâm di tích tâm linh thời Lý (Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận được công văn số 400/KHC (ngày 29/10) của Viện Khảo cổ học báo cáo việc xâm hại trực tiếp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến di tích tâm linh này.
Văn bản của Viện Khảo cổ học nhấn mạnh: “Đây là di tích văn hóa tâm linh thuộc loại sớm nhất ở Việt Nam, độc đáo chỉ có ở Kinh đô đầu triều Lý Việt Nam, thể hiện tinh thần tự chủ, tự cường cao của Đại Việt thời Lý. Hơn nữa, di tích nằm thẳng trục với kiến trúc Bát giác và hệ thống các di tích ở khu C-D tạo thành một trục di tích văn hóa-tâm linh đặc biệt của khu vực trung tâm cấm thành Thăng Long thời Lý.”
Tuy nhiên, theo báo cáo của Viện Khảo cổ học, trong quá trình thi công xây dựng gara ngầm khu vực có kiến trúc tâm linh đặc biệt, nhà thầu thi công đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến di tích với những việc làm cụ thể như: tập kết vật liệu, vật tư, xả rác thải sinh hoạt, xả bùn bentonize vào trong khu vực di tích.
Cũng liên quan đến phương án bảo tồn di tích tế lễ Trời-Đất của các Hoàng đế đầu thời Lý, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã có Văn bản số 2116/KHXH báo cáo Thủ tướng Chính phủ về niên đại, giá trị và đề xuất phương án bảo tồn di tích tâm linh đặc biệt này.
Theo đó, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề nghị đề Thủ tướng cho phép trước mắt bảo tồn nguyên trạng di tích tâm linh đặc biệt này trong phạm vi diện tích tối thiểu khoảng 400m2 (không tính diện tích có thể sẽ khai quật thêm ở phía Tây Bắc của di tích).
Trong thời gian các chuyên gia nghiên cứu phương án bảo tồn khả thi, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) sẽ tạm thời lấp đất che phủ hết cọc gỗ của di tích.
Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long (Ảnh: Vietnam+)
Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chỉ rõ: Vị trí của di tích nằm tại lô E thuộc khu vực trung tâm (vùng lõi) của Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long. Mọi việc thi công chỉ nên được tiến hành ngoài vùng lõi của khu di sản văn hóa thế giới.
“Nếu không có sự quan tâm chỉ đạo kiên quyết, tập trung thì di sản thế sẽ có thể ngày càng rơi vào tình trạng manh mún, xuống cấp, không thể phát huy giá trị và ngày càng có nguy cơ không thể đảm bảo được các tiêu chí nổi bật toàn cầu của một di sản thế giới,” đại diện Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh./.
AN NGỌC (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/yeu-cau-khoanh-vung-bao-ve-di-tich-te-le-troidat-dau-thoi-ly/292387.vnp