Củ riềng đã được bà con ta sử dụng từ lâu đời, là loại gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn, nhất là trong những ngày trời lạnh.
Độc đáo củ riềng
Củ riềng đã được bà con ta sử dụng từ lâu đời, là loại gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn, nhất là trong những ngày trời lạnh. Riềng cũng là vị thuốc quý phòng chữa nhiều bệnh. Theo y học cổ truyền, riềng có vị cay tính ấm. Có tác dụng ôn trung tán hàn, chống nôn chỉ tả, làm ấm tỳ vị, tăng cường chức năng của tỳ thổ. Những trường hợp đau bụng phân lỏng, chân tay lạnh, huyết áp tụt đều có thể dùng riềng để cấp cứu. Riềng lành tính có thể dùng tươi hoặc khô dưới dạng thuốc sắc. Nhiều khi được kết hợp với những vị khác để tăng tác dụng điều trị. Sau đây là một số cách dùng củ riềng làm thuốc.
Trị đau bụng tiêu chảy:
- Riềng tươi rửa sạch thái lát 20g, lá lốt 20g. Cho hai thứ vào ấm chuyên, hãm nước sôi. Sau 20 phút rót nước thuốc uống dần.
- Riềng tươi 20g, búp ổi 20g, vỏ quả chuối xanh (sao qua) 30g. Cho các vị vào ấm đổ 2 bát nước, nấu sôi 10 phút, chắt ra uống dần. Công dụng: ôn ấm tỳ vị, cầm tiêu chảy.
- Riềng tươi 20g, lá nhót (sao vàng hạ thổ) 20g, lá mã đề 20g. Sắc uống 2 - 3 lần trong ngày.
- Riềng tươi 20g, bạch truật (sao vàng hạ thổ) 16g, lệ chi 20g, quế tốt 8g. Sắc uống 2 - 3 lần trong ngày.
Trị tỳ thận dương hư, phù mặt và tứ chi:
Riềng khô 20g, thảo quả 12g, bạch truật 16g, bào khương 12g, đinh lăng 20g, lá tre 16g, hương nhu 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Trị viêm đại tràng thể hàn thấp: (người bệnh có biểu hiện phân sống, rối loạn tiêu hóa, bụng đau âm ỉ, ăn uống kém, chân tay yếu mềm):
Riềng khô 16g, bạch truật 16g, hoài sơn 16g, liên nhục 12g, sơn thù 12g, phòng sâm 16g, bạch linh 12g, cam thảo 12g, táo tầu 4 quả, trần bì 10g, sinh khương 6g, thảo quả 6g, ngũ gia bì 12g, đinh lăng 16g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. Công dụng: bổ tỳ dương, chống viêm trừ thấp, tăng cường chức năng vận hóa của tỳ thổ.
Lương y Trịnh Văn Sỹ
Theo Suckhoedoisong.vn