Khoảng 60 bức ảnh tư liệu về Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20 sẽ được giới thiệu tới công chúng Thủ đô trong triển lãm chuyên đề “Góc nhìn Việt Nam-Việt Nam đầu thế kỷ 20 qua tư liệu ảnh của Viện Viễn Đông Bác Cổ.”
Một hình ảnh trưng bày tại triển lãm (Ảnh: BTC)
Chương trình sẽ chính thức khai mạc vào lúc 17 giờ ngày hôm nay 3/12 và kéo dài đến hết tháng 3/2015 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 25 Tông Đản, Hà Nội).
Nội dung trọng tâm của chương trình trưng bày lần này là những hình ảnh tư liệu về cuộc sống của người Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20 với các lễ hội dân gian, những buổi lễ tưởng nhớ các vị thành hoàng làng, tục thờ cúng tổ tiên, nghi lễ tang ma hay những cảnh sinh hoạt đời thường như Tết Trung thu…
Bên cạnh đó, số ảnh tư liệu được trưng bày tại triển lãm còn được chia theo ba chủ đề khác. Chủ đề thứ nhất với tên gọi “Khảo cổ học” sẽ giới thiệu những bức ảnh ghi lại quá trình khai quật khảo cổ học, trùng tu di tích của các học giả Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Việt Nam. Điểm nhấn là những phát hiện quan trọng về khảo cổ học thuộc văn hóa Chămpa và văn hóa Óc Eo.
Tư liệu ảnh về các bảo tàng mà Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã xây dựng ở Đông Dương sẽ được giới thiệu tại chủ đề thứ hai - “Xây dựng các bảo tàng.” Từ khi thành lập đến khi rời khỏi Đông Dương, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã xây dựng tám bảo tàng, trong đó có năm bảo tàng ở Việt Nam.
Tiếp đó, những hình ảnh tư liệu của lễ tế đàn Nam Giao được thực hiện vào năm thứ 14 triều vua Bảo Đại (1939) cũng sẽ được giới thiệu tới công chúng qua nhóm ảnh thuộc chủ đề“Lễ tế đàn Nam Giao.”
Lễ tế Nam Giao là nghi lễ quan trọng bậc nhất dưới chế độ quân chủ. Nhà vua là người duy nhất có quyền làm lễ tế Giao (tức là tế Trời Đất) nhằm khẳng định tính chính thống của triều đại, uy quyền của Hoàng đế tuân theo mệnh Trời cai trị dân chúng.
Số ảnh tư liệu trưng bày lần này được lựa chọn từ kho lưu trữ của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp. Nguyên bản những bức ảnh do chính các học giả, nhiếp ảnh gia của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp thực hiện.
Không chỉ có vậy, phòng trưng bày “Góc nhìn Việt Nam-Việt Nam đầu thế kỷ 20 qua tư liệu ảnh của Viện Viễn Đông Bác Cổ” còn giới thiệu tới công chúng gần 50 hiện vật tiêu biểu hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Số hiện vật này tập trung vào hai chủ đề: các dụng cụ tác nghiệp của các học giả Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã sử dụng trước đây; những hiện vật do các học giả Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tìm thấy ở các di tích thuộc các nền văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, Chămpa của Việt Nam.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm “Viện Viễn đông Bác Cổ : Một thế kỷ nghiên cứu tại Việt Nam.” Chương trình do Đại sứ quán Pháp phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thực hiện.
AN NGỌC (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/cung-nhin-lai-hinh-anh-viet-nam-nhung-nam-dau-the-ky-20/294316.vnp