Mới đây, tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) diễn ra lễ khởi công Trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, đào tạo và dạy nghề dành cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Dạy nghề may cho các nạn nhân chất độc da cam. (Ảnh: Lê Lâm/TTXVN)
Dự án này sẽ đóng góp tích cực trong việc tạo nguồn lực, giúp đỡ chăm sóc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho các nạn nhân chất độc da cam; thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn," hưởng ứng cuộc vận động "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam" do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phát động.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cùng Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Bolivar Venezuela tại Việt Nam Jorge Rondon Uzcategui; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Bulgaria tại Việt Nam Evgueni Stoytcher, cùng đại diện các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đến dự.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Văn Rinh bày tỏ cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề.
Hàng trăm nghìn người trong tổng số hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam đã chết trong đau đớn. Nhiều nạn nhân vẫn đang chịu sống đời sống thực vật, cô đơn không nơi nương tựa. Đại đa số các nạn nhân không có việc làm.
Do đó, việc xây dựng các cơ sở nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho nạn nhân là việc làm cần thiết.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Bolivar Venezuela ông Jorge Rondon Uzcategui tin tưởng, Trung tâm bảo trợ xã hội sẽ góp phần vào việc thực hiện một nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin là tạo điều kiện thuận lợi cho các nạn nhân hòa nhập cộng đồng.
Đặc biệt, Trung tâm sẽ là nơi hướng dẫn và khuyến khích các nạn nhân nỗ lực xây dựng cuộc sống tốt hơn.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, được sự đồng ý của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã quyết định thành lập Trung tâm Bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam.
Dự án xây dựng Trung tâm nhằm tri ân những người đã xả thân vì Tổ quốc, giảm bớt nỗi đau cho các thế hệ nạn nhân và gia đình nạn nhân.
Đối tượng tiếp nhận của Trung tâm là nạn nhân chất độc da cam không có khả năng tự phục vụ cho bản thân, người già cô đơn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa. Trung tâm cũng tiến hành đào tạo nghề cho các đối tượng xã hội khác.
Dự án có tổng mức đầu tư là 351 tỷ đồng, trong đó Trung tâm Bảo trợ xã hội là 151 tỷ đồng, Trường cao đẳng nghề là 200 tỷ đồng.
Dự án này được chia thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 (2014-2015) đầu tư xây dựng các công trình cần thiết nhất để đưa Trung tâm Bảo trợ xã hội vào hoạt động, gồm đường giao thông, công trình điện nước, nhà nuôi dưỡng nạn nhân, cơ sở xông hơi tẩy độc.
Giai đoạn 2 (2016-2018) xây dựng hoàn thiện các hạng mục còn lại của Trung tâm và toàn bộ các công trình của Trường cao đẳng nghề.
Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Văn Rinh đã gửi lời cảm ơn tới các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ kinh phí để triển khai thực hiện Dự án. Trong đó, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng ủng hộ 8 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông Quân đội ủng hộ 10 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 9,5 tỷ đồng; Tổng Công ty Điện lực miền Bắc 4,8 tỷ đồng; Hợp tác xã Môi trường Thành Công 2 tỷ đồng.../.
NGUYỄN QUỐC TRỊ (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/xay-trung-tam-nuoi-duong-day-nghe-cho-nan-nhan-chat-doc-da-cam/295903.vnp