Theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Lân Cường, thành công lớn nhất trong công tác phục dựng di cốt người cổ có niên đại cách đây từ 5.000-6.000 năm là các nhà khoa học đã phục dựng lại nguyên vẹn hộp sọ của người cổ được khai quật tại di chỉ Bàu Dũ.
Ông Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, đã khẳng định như vậy tại buổi báo cáo sáng 15/12 về kết quả bước đầu của việc phục dựng di cốt người cổ được khai quật tại di chỉ Bàu Dũ (thuộc thôn Phú Trung, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) vào tháng Tám vừa qua.
Ông Nguyễn Lân Cường cho biết trong đợt khai quật di chỉ Bàu Dũ vào tháng Tám vừa qua và trong quá trình phục dựng di cốt người cổ, các nhà khoa học đã tìm được nhiều hiện vật có giá trị lớn, trong đó đáng kể nhất là năm bộ di cốt và hai hộp sọ được xác định là hộp sọ của những người đàn ông đã trưởng thành.
Đặc biệt tại ngôi mộ số 4, các nhà khoa học đã lắp lại nguyên vẹn bộ hộp sọ có niên đại từ 5.000-6.000 năm. Nhờ nằm trong cát nên hộp sọ này chỉ bị vỡ và các mảnh hộp sọ, nhất là các đường khớp nối của hộp sọ, vẫn còn nguyên vẹn. Đây là những tư liệu rất quý phục vụ cho công tác nghiên cứu. Những di cốt và đặc biệt là hộp sọ được lắp ghép lại gần như nguyên vẹn này sẽ giúp các nhà khoa học tìm ra chủ nhân của nền văn hóa đã tồn tại cách đây hàng nghìn năm, xác định họ là người bản địa hay là người từ đâu đến và thuộc chủng tộc nào.
Đặc biệt, qua việc lắp ghép thành công hộp sọ, các nhà khoa học đã phát hiện thêm một tập tục nữa của người cổ ở di chỉ Bàu Dũ là tục nhổ răng cửa.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Lân Cường cho biết thêm, cũng tại đợt khai quật di cốt người cổ tại di chỉ Bàu Dũ vừa qua, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều tài liệu quý phục vụ cho công tác nghiên cứu và trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam./
ĐOÀN HỮU TRUNG (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/quang-nam-khoi-phuc-nguyen-ven-hop-so-cua-nguoi-co-tai-bau-du/296706.vnp