Cập nhật: 05/01/2015 09:17:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2014, dấu ấn nổi bật mà ngành Điện đạt được là đã đưa nguồn điện lưới quốc gia đến với nhiều xã đảo, huyện đảo góp phần tạo động lực phát triển kinh tế biển, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đưa điện ra đảo Lý Sơn

Có thể nói, dấu ấn quan trọng nhất trong công cuộc “đưa điện vượt sóng vươn khơi” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) góp phần nối liền mạch máu điện giữa đất liền với đảo đến thời điểm này chính là việc thực hiện thành công các dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển ra các đảo: Cô Tô (Quảng Ninh), Phú Quốc, Kiên Hải  (Kiên Giang) và Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Nối liền “mạch máu điện” giữa đất liền với đảo

Sau sự kiện tỉnh Quảng Ninh và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc thực hiện thành công và chính thức đóng điện dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển ra đảo Cô Tô tháng 10/2013. huyện đảo Phú Quốc là địa phương thứ hai chính thức được cấp điện bằng điện lưới quốc gia từ hệ thống cáp ngầm xuyên biển vào đầu năm 2014.

Đây là dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á với chiều dài trên 57 km có quy mô, công nghệ hết sức phức tạp, tổng vốn đầu tư lên tới 2.336 tỷ đồng do Tổng công ty Điện lực miền Nam làm chủ đầu tư. Với sự nỗ lực của chủ đầu tư cũng như các đơn vị nhà thầu trong và ngoài nước, dự án đã về đích sớm 6 tháng so với kế hoạch, chính thức đóng điện, khánh thành vào tháng 2/2014.

Với việc triển khai thành công 2 dự án quan trọng này, 17.600 hộ dân trên 2 huyện đảo đã được sử dụng nguồn điện lưới quốc gia ổn định, chất lượng cao hơn so với nguồn điện chạy bằng diesel vốn chỉ được cấp rất hạn chế vì giá thành quá cao và tính ổn định kém, công suất các máy phát điện thấp.

Dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển thứ 3 cũng đã được triển khai nhanh chóng và chính thức đóng điện thành công, đảm bảo cấp điện cho 22.000 dân huyện đảo Lý Sơn từ tháng 9/2014, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trên huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Sau huyện đảo Lý Sơn, các dự án đưa điện vượt biển ra huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang), cấp điện bằng cáp ngầm cho xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), Cù lao Chàm (Đà Nẵng) và dự án cấp điện cho các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) cũng đang được gấp rút thực hiện. Một số dự án đang nỗ lực hoàn thành trước Tết Nguyên đán Ât Mùi.

Ông Trịnh Ngọc Khánh – Trưởng Ban Kế hoạch EVN cho hay Tập đoàn đang tính toán để một mặt đầu tư nâng cấp hệ thống điện hiện có, mặt khác nghiên cứu xây dựng các nguồn điện bổ sung tại chỗ bằng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời tại các huyện đảo quá xa với đất liền do giải pháp kéo cáp ngầm, hay lưới nổi đều rất tốn kém và khó khả thi về kỹ thuật.

Niềm vui đón dòng điện lưới và những dự định mới

Vui nhất có lẽ là người dân các đảo được dùng điện lưới quốc gia. Niềm vui đó như còn đọng lại, đong đầy trong ánh mắt của cụ già, em nhỏ, của các ngư dân giãi dầu nắng, gió đang ngày đêm bám biển.

Giấc mơ có điện lưới đã trở thành hiện thực, từ đây, đời sống của người dân trên các hòn đảo này sẽ từng bước được khởi sắc. Không chỉ có nghề đánh bắt hải sản và nông nghiệp, mà các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch sẽ có điều kiện cất cánh, vươn cao.

Chị Lê Thị Đào, ấp Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc phấn khởi nói: Có điện lưới quốc gia bà con vui lắm, dùng điện lưới tiết kiệm được hàng trăm nghìn đồng mỗi tháng. Gia đình tôi sẽ mua thêm tủ lạnh, đầu máy để phục vụ việc sinh hoạt và bán hàng.

Doanh nghiệp tư nhân Thành Khoa, một địa chỉ sản xuất nước mắm có tiếng ở ấp Suối Đá, xã Dương Tơ, Phú Quốc cho biết cơ sở sản xuất nước mắm này công suất rất lớn, mỗi tháng dùng hết khoảng 6 triệu đồng tiền điện.

Chị Nguyễn Kim Chi, chủ doanh nghiệp, cho biết có điện lưới, giảm được đáng kể tiền điện đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sản xuất kinh doanh. “Tôi sẽ thuê mướn thêm nhân công để mở rộng quy mô, công suất sản xuất nước mắm để mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh phía Bắc”, chị Chi cho biết thêm.

“Điện lưới quốc gia sẽ tạo động lực quan trọng để các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực dịch vụ du lịch tại Phú Quốc. Riêng đối với Cửu Long Resort, chúng tôi sẽ tiếp tục mở thêm các dịch vụ vui chơi giải trí đồng thời nâng cấp các trang thiết bị phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ, du lịch ngày càng cao của du khách”, ông Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc Resort Cửu Long Phú Quốc nói.

Về định hướng phát triển KT-XH của địa phương khi có điện lưới quốc gia, ông Huỳnh Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang cho biết: Nếu có nguồn điện lưới quốc gia, huyện sẽ tập trung kêu gọi đầu tư phát triển dịch vụ du lịch với các tour du lịch tham quan quanh đảo, leo núi, câu cá, phát triển hình thức du lịch tín ngưỡng dân gian thăm dinh Cá Ông. Huyện cũng đang có ý tưởng quy hoạch khu đô thị mới và khu dịch vụ hậu cần nghề cá.

Với những nỗ lực của ngành điện, đến nay đã có 12/12 huyện đảo có điện, trong đó 5/12 huyện đảo được cấp điện từ điện lưới quốc gia với thời gian cấp điện ổn định 24/24 h.

Mục tiêu phấn đấu của EVN là đến năm 2020, hầu hết các hộ dân trên tất cả các đảo trong cả nước đều được dùng điện với chất lượng ngày càng ổn định, an toàn.

Ghi nhận những nỗ lực này, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã khẳng định: “ Với việc đưa điện lưới quốc gia ra các vùng hải đảo xa xôi nhất của Tổ quốc, ngành Điện đã và đang từng bước giúp Chính phủ hiện thực hóa sự nghiệp “Điện khí hóa nông thôn” cùng các chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng như: Xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo... Đặc biệt là để có thể triển khai thực hiện thành công chiến lược kinh tế biển đảo nước ta đến năm 2020, không thể thiếu vai trò tiên phong của điện”.

Toàn Thắng

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm