Ngoại trưởng 28 nước châu Âu vừa họp tại Brusells (Bỉ) đã quyết định sẽ triển khai kế hoạch chống khủng bố cùng các quốc gia Hồi giáo và tăng cường chia sẻ tin tình báo, trong bối cảnh nhiều cuộc biểu tình và bạo lực mới nổ ra để phản đối tạp chí Charlie Hebdo đăng biếm họa.
An ninh tại nhiều nước châu Âu được thắt chặt Cuộc họp còn chuẩn bị cho phiên họp thượng đỉnh châu Âu đặc biệt dành riêng cho chủ đề chống khủng bố vào ngày 12/2.
Thay vì lập hẳn một cơ quan tình báo chung cho châu Âu theo đề nghị của Italy nhưng được cho là chưa cần thiết, Ủy ban Châu Âu sẽ cử các tùy viên thường trực phụ trách an ninh ở từng nuớc. Các tùy viên an ninh sẽ lo việc liên lạc hàng ngày với cơ quan tình báo nước sở tại và duy trì áp lực với các nước này, vốn không tự động chia sẻ các thông tin tình báo. Công việc tập thể của các tùy viên trên sẽ giúp đánh giá được mối đe dọa một cách cụ thể và kịp thời. Việc hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Algeria đặc biệt được chú ý. Điều này cũng giúp theo dõi sát sao hơn các hoạt động của khoảng 3.000 quân thánh chiến, trước khi những người này trở về châu Âu, với việc sửa đổi các văn bản thực thi hiệp ước Schengen cho phép mặc nhiên kiểm tra tất cả các nghi can mỗi lần vượt qua biên giới châu Âu. Một biện pháp chung khác là việc thiết lập hồ sơ dữ liệu cá nhân của các hành khách đi máy bay, khởi hành cũng như đáp xuống tất cả các sân bay châu Âu.
Liên Hợp Quốc cho biết trong 10 năm qua số nạn nhân của những kẻ khủng bố đã tăng lên gấp 10 lần so với trước thăm 2001, thời điểm xảy ra vụ tấn công khủng bố tại Mỹ và cũng là thời điểm quốc tế bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố.
EU còn bố trí an ninh tại các Đại sứ quán của liên minh ở những quốc gia Hồi giáo nhằm tăng cường hợp tác, đồng thời tăng cường năng lực ngôn ngữ Arab để ứng phó với chiến dịch tuyên truyền liên quan đến Hồi giáo.
Châu Âu đang trong tình trạng báo động cao sau khi xảy ra các vụ thảm sát tại tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo và một siêu thị Do Thái ở Paris hồi đầu tháng.
Tại Pháp, Thủ tướng Manuel Valls khẳng định Kế hoạch chống khủng bố sẽ tiếp tục được thực hiện ở cấp độ cao nhất. Pháp sẽ huy động quân số lớn nhất để bảo vệ các tòa soạn, các tổ chức và cơ quan của nhà nước, các nhà thờ Do Thái và Hồi giáo, các trường tôn giáo, những nơi có thể là mục tiêu tấn công của bọn khủng bố.
Tại Bỉ, chính phủ nước này đã nâng cảnh báo an ninh lên mức “nghiêm trọng”, mức cao thứ 3 trong thang cảnh báo an ninh 4 mức, đồng thời thông qua gói biện pháp tăng cường an ninh, trong đó có đề xuất tước quốc tịch của công dân Bỉ từng tham chiến cùng với các chiến binh Hồi giáo, cách ly các tù nhân có thể tuyên truyền tư tưởng cực đoan...
Bên cạnh việc nâng mức báo động nguy cơ tấn công khủng bố cảnh sát từ "đáng kể" lên "nghiêm trọng", mức cao thứ tư trong thang 5 điểm, Thủ tướng Anh David Cameron yêu cầu lực lượng cảnh sát và các đơn vị liên quan sẵn sàng ứng phó trong trường hợp xảy ra các vụ khủng bố liên tiếp tại nhiều địa điểm và kéo dài trong nhiều ngày. Ông cũng đề nghị lực lượng cảnh sát và quân đội tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đảm bảo rằng cảnh sát có thể nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của quân đội khi cần thiết. Thủ tướng Cameron cam kết sẽ trao cho các cơ quan tình báo quyền hạn "toàn diện hơn" để theo dõi và giám sát các đối tượng tình nghi khủng bố tại Anh.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi các cơ quan tình báo quốc tế hợp tác chặt chẽ hơn để trao đổi thông tin trên toàn châu Âu cũng như thế giới. Dự kiến Bộ Tư pháp Đức trình Chính phủ một bộ luật mới ngay trong tháng 1 này, trong đó có những biện pháp cứng rắn ngăn chặn việc ủng hộ, tài trợ cho các tổ chức khủng bố cũng như việc di chuyển của những người Hồi giáo tới các khu vực chiến sự.
Italy cũng đã nâng mức độ cảnh báo nguy cơ khủng bố. Thủ tướng Matteo Renzi còn đề xuất thành lập một cơ quan tình báo chung của các nước EU vì ngoài việc sử dụng đồng tiền chung, EU cần phải đoàn kết, phải có một chính sách ngoại giao thống nhất.
Không thể phủ nhận việc xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố khiến 17 người tại Pháp thiệt mạng thúc đẩy các nước châu Âu lên kế hoạch hành động kiên quyết với chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, cuộc chiến chống khủng bố không chỉ gói gọn trong một chiến dịch an ninh và không phải là trách nhiệm của một quốc gia đơn lẻ. Đáng lo ngại hơn khi Giám đốc Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) Rob Wainwright cho biết, có đến 5000 công dân các nước thuộc EU gia nhập hàng ngũ phiến quân thánh chiến. Điều này đồng nghĩa với việc EU đang đối phó với một số lượng lớn các đối tượng chủ yếu là thanh niên có khả năng sẽ quay trở lại để tiến hành những vụ tấn công mà dư luận đã chứng kiến tại Paris hồi đầu tháng này.
Hơn lúc nào hết, người châu Âu cần đoàn kết, tăng cường hiệu quả hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố, bởi nếu thiết lập được một mạng lưới đối tác tốt, thì hoạt động trao đổi thông tin cũng sẽ được cải thiện và qua đó cuộc chiến chống khủng bố sẽ trở nên hiệu quả hơn. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là cuộc chiến chống khủng bố hiện nay mới chỉ tập trung vào việc tiêu diệt các hành động khủng bố, mà chưa thực sự hướng tới việc chấm dứt những tư tưởng khủng bố./.
Nguyễn Chiến
Theo Chinhphu.vn