Ngày 25/1, cử tri Hy Lạp sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn.
Đây được coi là một dấu mốc quan trọng không chỉ đối với người dân Hy Lạp mà còn đối với cả Liên minh châu Âu.
Theo thông báo của Ủy ban bầu cử Hy Lạp, các điểm bầu cử bắt đầu làm việc vào lúc 7 giờ sáng. Khoảng 9 triệu cử tri đủ tư cách sẽ đi bầu tại hơn 20.000 điểm bỏ phiếu trên khắp đất nước.
Một người đàn ông bước qua tấm áp phích tranh cử của Đảng Syriza (Ảnh Telegraph)
Có 22 đảng phái ở Hy Lạp tham gia tranh cử vào 300 ghế trong Quốc hội. Theo luật pháp nước này, đảng nào nhận được nhiều phiếu bầu nhất sẽ đương nhiên hưởng thêm 50 ghế.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy Đảng Syriza cánh tả dẫn đầu và hơn điểm so với Đảng Dân chủ mới theo đường lối bảo thủ (ND), của đương kim Thủ tướng Antonis Samara.
Trong chiến dịch tranh cử, Chủ tịch Đảng Syriza, ông Tsipras từng tuyên bố rằng các kế hoạch thắt chặt chi tiêu ngân sách sẽ thuộc về quá khứ và tương lai của Hy Lạp sẽ bắt đầu trong những ngày tới.
Trong khi đó, Đảng Dân chủ kiểu mới ủng hộ biện pháp " thắt lưng buộc bụng" hứa hẹn đem tới sự ổn định đất nước, phục hồi kinh tế, cải thiện cuộc sống của người dân.
Người dân Hy Lạp hi vọng, cuộc bầu cử sẽ lựa chọn được Đảng cầm quyền xứng đáng có khả năng cải thiện tình hình khó khăn hiện nay, một số cử tri ở Athen bày tỏ: “Tôi có thể nói với các bạn rằng, tôi sẽ bỏ phiếu cho những người làm cho chúng tôi cảm thấy an toàn trong nhiều cách khác nhau. Về kinh tế, về tình cảm, về tài chính và về sự an toàn xã hội”.
Trước 1 ngày diễn ra cuộc bầu cử, thủ lĩnh của hai đảng tiềm năng là đương kim Thủ tướng Samara và Tsiprat đã xuất hiện trước công chúng lần cuối cùng để nhắc lại những cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình.
Phát biểu với báo giới, Chủ tịch của hai đảng tiềm năng này bày tỏ sự tự tin và hi vọng vào cuộc bầu cử ngày 25/1. Cuộc bỏ phiếu sẽ kết thúc vào 19h cùng ngày và kết quả sơ bộ sẽ được công bố vào sáng 26/1.
Có thể thấy, cuộc bầu cử Quốc hội của Hi Lạp lần này gợi nhớ thời kỳ khủng hoảng nợ công suýt làm tan rã Khu vực đồng tiền chung euro năm 2012.
Giới quan sát cho rằng, việc đảng nào giành chiến thắng sẽ quyết định tới “cách hành xử” của Hi Lạp đối với Khu vực đồng tiền chung euro cũng như toàn Liên minh châu Âu. Châu Âu lo ngại rằng, về mặt chính trị nếu Đảng Syriza thẳng lợi sẽ cổ vũ các đảng khác chống lại những chính sách khắc khổ tại những nước khác.
Hiện Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đang tạm ngừng trợ giúp tài chính cho Athen để chờ xem diễn biến tình hình sau bầu cử./.
Mai Liên/VOV- Trung tâm Tin/VOV.VN